(Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
“Chủ động rà soát khung khổ pháp luật, xây dựng các kịch bản ứng phó gắn với việc triển khai quyết liệt các giải pháp ổn định, phát triển thị trường và ổn định tâm lý nhà đầu tư; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp các thông tin chính thống về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường vốn; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, công bố thông tin và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” là những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn trái phiếu doanh nghiệp có thể mang lại cho nhà đầu tư, không dừng lại ở cảnh báo, cùng với việc mạnh tay khởi tố đối với những hành vi lợi dụng kẽ hở để lộng hành thao túng thị trường, lợi dụng khoảng trống trong hoạt động giám sát nhằm tiếp tay trục lợi, một khung khổ pháp luật hoàn thiện với các quy định về việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, thông qua hàng loạt văn bản luật, nghị định và thông tư đang được các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm.
Bộ Tài chính cho biết bên cạnh các quy định mới được ban hành trước đó (Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 81/2020/NĐ-CP; Nghị định 153/2020/NĐ-CP; Nghị định 155/2020/NĐ-CP), Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Dự thảo bổ sung quy định, doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng nếu phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.
Xếp hạng tín nhiệm được coi là giải pháp hỗ trợ minh bạch hóa thông tin về trái phiếu, giúp nhà đầu tư lựa chọn đúng sản phẩm đầu tư theo “khẩu vị” rủi ro của mình.
Trên phạm vi toàn cầu, vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm ngày càng phát triển với sự phát triển của thị trường vốn.
Ở Việt Nam, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý trực tiếp của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đã đưa ra lộ trình phát triển cho ngành xếp hạng tín nhiệm với kế hoạch cấp phép tối đa cho 5 đơn vị cho đến thời điểm năm 2030.
Tuy nhiên, đánh giá hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Tài chính) thẳng thắn cho rằng, vẫn còn rất hạn chế do chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Dương cho rằng, hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động cả về cung và cầu đầu tư trên thị trường, giúp nhà đầu tư nhận thức được tốt hơn khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư.
Để thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quy định việc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng.
Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được trình Chính phủ ban hành theo hướng quy định các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm đi kèm lộ trình thực hiện.
Mặc dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng ngành này cũng may mắn là có những thay đổi chính sách kịp thời để khuyến khích và yêu cầu các doanh nghiệp phát hành thực hiện xếp hạng tín nhiệm nhằm hướng đến cải thiện minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Chia sẻ về vấn đề xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinGroup - công ty xếp hạng tín nhiệm Việt Nam nêu quan điểm trước báo giới: “Xếp hạng tín nhiệm tuy không phải là “cây đũa thần” giúp giải quyết mọi vấn đề của thị trường trái phiếu, nhưng xếp hạng tín nhiệm cũng chính là “tín hiệu đèn giao thông” để tất cả các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu có thể tương tác với nhau một cách hiệu quả và bền vững.”
Ông Thuân cũng cho biết sau khi được Bộ Tài chính cấp phép vào 20/3/2020, FiinGroup đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp thấu hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh và hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trong chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là ứng dụng của kết quả xếp hạng tín nhiệm được công bố ra sao và phản ánh vào lãi suất thế nào. Quá trình này đã quen thuộc với các định chế tài chính quốc tế nhưng với các tổ chức trong nước cũng như các nhà đầu tư đại chúng thì lại khá mới mẻ.
Bộ Tài Chính Việt Nam |
Do đó, các hoạt động truyền thông và đào tạo, hướng dẫn áp dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đi vào cuộc sống và xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam là một quá trình mới bắt đầu và còn nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) - doanh nghiệp dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu cho biết: “Chủ động xếp hạng tín nhiệm độc lập là sáng kiến mà khách hàng rất hoan nghênh.
Việc này, cùng với sự chủ động niêm yết trái phiếu được phát hành của doanh nghiệp lên sàn giao dịch chứng khoán sẽ thể hiện tinh thần minh bạch cũng như chung tay góp phần xây dựng một thị trường trái phiếu Việt Nam bền vững và an toàn hơn. Một khi trái phiếu được xếp hạng đúng với quy mô và tầm vóc hơn, được minh bạch và an tâm với nhà đầu tư hơn, thì lãi suất huy động của doanh nghiệp sẽ tốt hơn”.
Ông Nguyễn Hoàng Dương cũng cho rằng bên cạnh việc cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện các quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, sự phát triển của thị trường vốn nói chung và ngành xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam nói riêng, sự chung tay đóng góp của các đơn vị, các chủ thể tham gia vào thị trường vốn trong việc hỗ trợ cho sự phát triển của ngành xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam là rất cần thiết và cần được đẩy mạnh ở tất cả các khâu.
Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm cần chủ động chia sẻ phương pháp và kỹ thuật đánh giá, xếp hạng tín nhiệm, giúp cho nhà đầu tư và doanh nghiệp nắm rõ bản chất của hoạt động xếp hạng tín nhiệm không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn một cách minh bạch, mà còn giúp nhà đầu tư có thêm kênh thông tin tham khảo hữu ích về các rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải bên cạnh những đánh giá của các đơn vị tư vấn truyền thống.
Đối với các đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu, các đơn vị phân phối trái phiếu cần tư vấn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư về sự cần thiết của hoạt động xếp hạng tín nhiệm trong việc xây dựng hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp.
Đối với nhà đầu tư, cần làm quen với sự xuất hiện của kết quả xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và đòi hỏi đánh giá xếp hạng tín nhiệm đối với các sản phẩm đầu tư sẽ giúp hình thành thói quen có tác động tích cực đối với sự phát triển chung thị trường vốn của Việt Nam./.