Minh bạch hành lang pháp lý về thu phí cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Chính phủ ban hành quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển về kết cấu hạ tầng. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế rõ ràng, minh bạch trong triển khai thu phí cao tốc, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan và bảo đảm chất lượng dịch vụ khi tiến hành thu phí sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.
Việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư nhằm tạo nguồn thu để đầu tư cao tốc mới, cũng như bảo trì, mở rộng, nâng cấp các cao tốc hiện hữu. Ảnh: Lê Tiên
Việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư nhằm tạo nguồn thu để đầu tư cao tốc mới, cũng như bảo trì, mở rộng, nâng cấp các cao tốc hiện hữu. Ảnh: Lê Tiên

Luật Đường bộ 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Do đó, các quy định về phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác cần sớm được hoàn thiện để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Hiện nay, nhiều dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước đã đưa vào khai thác đang cho lưu thông miễn phí hoặc đang đầu tư xây dựng vẫn chưa được bố trí vốn cho các hạng mục thu phí (lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm thu phí) do chưa có quy định thu. Khoảng trống pháp lý này cũng làm ảnh hưởng tới phương án hoàn vốn của các dự án PPP (hợp đồng BOT) hiện hữu khi các phương tiện giao thông đổ dồn vào các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư mà chưa thực hiện thu phí.

Góp ý cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, để nhận được sự đồng thuận của người dân thì mức thu phí với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm minh bạch, hài hòa và phù hợp với lợi ích cũng như khả năng chi trả của người sử dụng, không nên “cào bằng” với mức thu phí hoàn vốn của các dự án BOT hiện nay. Đặc biệt, mức thu phí phải xây dựng trên cơ sở pháp luật về phí và lệ phí, khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan, tránh thu phí trùng phí…

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Luật Đường bộ 2024 đã quy định việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Việc thu phí trên các tuyến đường này hoàn toàn không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm tạo nguồn thu để đầu tư cao tốc mới, cũng như bảo trì, mở rộng, nâng cấp các cao tốc hiện hữu. Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian cho thấy, so với lưu thông trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường. Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách trên 30 ghế và loại phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn.

Nhiều dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước đã đưa vào khai thác đang cho lưu thông miễn phí. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước đã đưa vào khai thác đang cho lưu thông miễn phí. Ảnh: Nhã Chi

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, sau khi tính toán tất cả các yếu tố về mức thu phí sử dụng cao tốc, đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động trong thực tiễn, có lộ trình thu phí cụ thể thì cần sớm công khai đến người dân trước khi đưa các quy định này áp dụng vào cuộc sống. Ngoài việc công khai phương án thu phí, mức phí rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần công khai ngay tại tuyến đường sắp thu phí để các chủ phương tiện có sự chuẩn bị tâm lý, cân nhắc và chủ động lựa chọn khi lưu thông. Mức giá, cơ chế áp dụng phải được triển khai đồng bộ, đồng nhất trên các tuyến đường cùng cấp trên cả nước (chỉ quy định một mức giá cụ thể cho một loại tuyến đường) và phải bảo đảm đầy đủ chất lượng dịch vụ khi tiến hành thu phí. Việc công khai minh bạch tối đa sẽ nhận được sự đồng thuận cao nhất của người dân trong việc chia sẻ gánh nặng ngân sách với nhà nước.

Ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, việc ban hành Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thời gian tới là hiện thực hóa hành lang pháp lý đầu tiên về thu phí các tuyến đường cao tốc đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước. Những quy định mới này có tác động không nhỏ đến người dân, an sinh đời sống xã hội nên quá trình lấy ý kiến rộng rãi của người dân, các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan chức năng được tiến hành bài bản và thận trọng. Hiện tại, Bộ GTVT đã trình Bộ Tư pháp thẩm định và cho ý kiến về Dự thảo Nghị định. Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan để hoàn thiện Dự thảo Nghị định với chất lượng tốt nhất trước khi ban hành và bảo đảm kịp với thời hạn có hiệu lực của Luật Đường bộ 2024.

Điều 50 Luật Đường bộ 2024 quy định: Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, bao gồm: đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước. Quản lý, sử dụng các nguồn thu từ phí sử dụng đường cao tốc được quy định như sau: cơ quan quản lý đường bộ tổ chức khai thác tài sản nộp số phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh - quản lý nộp số tiền nhận nhượng quyền vào ngân sách nhà nước; số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục