Các ngân hàng thương mại cần thay đổi tư duy quản trị để thích ứng với bối cảnh hội nhập. Ảnh: Lê Tiên |
Nguy cơ bị “nuốt chửng” treo lơ lửng
Theo các chuyên gia, tài chính - ngân hàng là một trong 4 trụ cột chính của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những quy định có độ mở rất sâu và rộng, tác động toàn diện đến hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Dưới tác động của TPP, các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho các NHTM tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, NHTM trong nước có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn uỷ thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP. Thương mại của Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ và các NHTM có điều kiện đồng hành, hỗ trợ vốn, dịch vụ cho doanh nghiệp. “Kỳ vọng vào một thời kỳ phát triển mạnh như hậu gia nhập WTO sẽ tái diễn. Tuy nhiên, cơ hội có được biến thành hiện thực, và thách thức sẽ không “nuốt chửng” những NHTM của Việt Nam hay không lại phụ thuộc vào sự chuẩn bị của cả hệ thống thể chế cũng như từng NHTM cụ thể”, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định.
Các chuyên gia cho biết, nếu so sánh với một số nước trong khu vực và trên thế giới, khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn chưa cao, mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch chưa đồng đều. Một hạn chế nữa là vấn đề quản trị rủi ro tại các NH trong nước còn nhiều bất cập và nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng gia tăng.
Một số NH có năng lực quản lý yếu kém, vi phạm các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro. Chất lượng tài sản của hệ thống NH diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Theo ước tính, hệ số an toàn vốn của toàn hệ thống NH chỉ đứng ở mức 8,5%, con số khá thấp so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (11%), Thái Lan (15,7%), Philipinnes (15,2%).
“Rất may là đến thời điểm hiện tại, với nỗ lực của Chính phủ, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống NHTM đã cải thiện sức khỏe cho hệ thống NHTM rất nhiều. Nếu để tồn tại quá nhiều NH yếu và kém cả về vốn lẫn quản trị, tiềm ẩn rủi ro cao, thanh khoản xấu là nguy cơ lớn cho toàn bộ nền kinh tế. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã làm khá tốt những sắp xếp này. Nếu không, gia nhập TPP sẽ khiến những NHTM nhỏ, lẻ dễ dàng bị nuốt chửng. Tuy nhiên, nguy cơ này vẫn luôn rình rập, khi TPP có hiệu lực, với những quy định thông thoáng, các NH quy mô lớn trong nội khối đương nhiên trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các NHTM Việt Nam”, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phân tích.
Thay đổi tư duy quản trị
Bà Vũ Minh Châu, đại diện Ngân hàng Nhà nước, thành viên đoàn đàm phán TPP Việt Nam đánh giá, TPP sẽ tác động rất lớn toàn bộ hệ thống NHTM và các tổ chức tín dụng. “Nguyên tắc đàm phán TPP được thực hiện theo phương thức tiếp cận chọn bỏ. Khác với phương thức chọn cho (chỉ liệt kê các lĩnh vực cam kết mở cửa, những lĩnh vực không liệt kê thì không có nghĩa vụ gì), đàm phán dịch vụ tài chính trong TPP đi theo phương thức chọn bỏ (liệt kê các bảo lưu trong danh mục các biện pháp không tương thích); các nội dung không được liệt kê trong danh mục này được hiểu là cam kết thực hiện”, bà Châu cho biết thêm.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, cần xây dựng một hệ thống NHTM có tính minh bạch cao, hiệu quả và tăng cường khả năng giám sát để đón đầu các cơ hội đến từ TPP. “Ngân hàng Nhà nước luôn xác định tiêu chí minh bạch trong hệ thống NHTM để từ đó xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Phải minh bạch thì mới có những đánh giá cụ thể về hoạt động của mạng lưới NH, hiệu quả ra sao, từ đó mới đề ra chính sách điều hành phù hợp”, bà Châu cho biết.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam quan ngại, vốn thấp, chất lượng tài sản chưa cao dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, mở rộng quy mô phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khi áp lực cạnh tranh từ các NH quốc tế nội khối ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ của các NH trong nước còn chưa đa dạng. Với cam kết cho phép các tổ chức tín dụng được cung cấp dịch vụ tài chính mới, sức ép cạnh tranh đối với các NH Việt Nam đã hiện hữu. “Theo tôi, mỗi NHTM Việt Nam phải chủ động nghiên cứu, xây dựng kịch bản, kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho việc gia nhập TPP. Chính phủ đã thay đổi tư duy ban hành chính sách, NHTM càng cần phải thay đổi tư duy quản trị để phù hợp với bối cảnh mới”, bà Hạnh khuyến cáo.