Nhóm doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu và trở thành nhóm huy động vốn lớn nhất trên thị trường trong 4 tháng qua. Ảnh: Tường Lâm |
Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, thị trường TPDN tiếp tục phát triển nhanh, đạt trên 58.000 tỷ đồng. Số lượng và loại hình doanh nghiệp tham gia thị trường đa dạng hơn so với năm trước, bao gồm khối sản xuất, dịch vụ và xây dựng, mặc dù khối lượng phát hành thấp hơn năm trước.
Bên cạnh đó, diễn biến thị trường cũng có một số điểm đáng chú ý. Đó là, nhóm doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu và trở thành nhóm huy động vốn lớn nhất trên thị trường, chiếm khoảng 49% tổng khối lượng phát hành. Lãi suất bình quân huy động của nhóm doanh nghiệp bất động sản cao hơn mức lãi suất bình quân chung của cả thị trường khoảng 1,5%/năm. Dư nợ phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản ở mức cao, một số doanh nghiệp ở mức rất cao, gấp từ 30 - 47 lần vốn tự có.
Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư tổ chức vẫn là nhóm đầu tư chính trên thị trường TPDN, chiếm gần 74%, nhưng nhà đầu tư cá nhân cũng có sự gia tăng mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2019, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường sơ cấp (thị trường phát hành) chiếm khoảng 8,8% tổng khối lượng phát hành, con số này trong 4 tháng đầu năm tăng mạnh lên mức 26,8%.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích tài chính là một trong những rủi ro tiềm ẩn đối với bản thân nhà đầu tư và cả thị trường, do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục khuyến cáo với nhóm nhà đầu tư này.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN áp dụng thực hiện trong năm 2020, khi Luật Chứng khoán chưa có hiệu lực.
Theo đó, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, nâng cao một số điều kiện về phát hành trái phiếu, chuẩn hóa hồ sơ phát hành, hoàn thiện chế độ công bố thông tin và quản lý giám sát thị trường TPDN…
Để hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và Luật Doanh nghiệp hiện đang sửa đổi, dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2021, Bộ Tài chính đã xây dựng một dự thảo thay thế các nghị định hiện nay về TPDN để ban hành và có hiệu lực cùng với hiệu lực Luật Chứng khoán năm 2021, từ đó tạo khung khổ pháp lý đồng bộ để phát triển thị trường TPDN.
Từ 1/1/2021, một trong những điểm mới đối với TPDN phát hành ra công chúng là yêu cầu phải có định mức tín nhiệm. Đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ, Luật Chứng khoán quy định trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
"Hiện nay, quy định trái phiếu phát hành riêng lẻ được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhưng sắp tới chúng tôi sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán theo hướng TPDN riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.”, ông Dương thông tin.
Cũng theo vị Phó vụ trưởng, mục tiêu của cơ quan quản lý hướng đến không phải thắt chặt hay nới lỏng thị trường TPDN mà điều quan trọng là xây dựng một khung khổ pháp lý để đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường, đảm bảo sự minh bạch của thị trường, tuân thủ quy định pháp luật của thị trường, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.