Loại hợp đồng BOT được đề xuất cho phép áp dụng đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình sẵn có. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ KH&ĐT cũng đề xuất những điều kiện chặt chẽ, đảm bảo quyền lựa chọn của người sử dụng dịch vụ, tham vấn thực chất khi thực hiện những dự án này.
Theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dự án đường bộ đầu tư theo hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Trên cơ sở đó, Luật PPP (khoản 4 Điều 45) quy định, không áp dụng loại hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng (hợp đồng BOT) đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu.
Trong quá trình triển khai, một số địa phương phản ánh, nhiều tuyến đường giao thông trục chính, cửa ngõ, kết nối vùng… cần mở rộng để đáp ứng nhu cầu lưu thông, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nhưng ngân sách địa phương không đảm bảo được nhu cầu vốn mở rộng các tuyến đường này.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã cho phép TP.HCM áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với các loại đường phố chính đô thị, đường trên cao. Luật Đường bộ 2024 cũng cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT đối với các dự án đường bộ cao tốc hiện hữu hoặc đường bộ đang khai thác được cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc nhưng phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng.
Trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, tại đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu đã công bố lấy ý kiến, Bộ KH&ĐT đề xuất xem xét sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật PPP theo hướng cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho phép TP.HCM áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình đường bộ hiện hữu đối với các loại đường phố chính đô thị, đường trên cao. Ảnh: Nhã Chi |
Thẩm định đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Đường bộ cho phép áp dụng đối với dự án đã được đầu tư theo phương thức PPP đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng dự án nhưng chưa quy định cụ thể về loại hợp đồng. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị cơ quan lập đề nghị rà soát, nghiên cứu để đề xuất việc áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu bảo đảm tính bao quát hơn, không chỉ áp dụng cho đường phố chính đô thị, đường trên cao phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, chỉ áp dụng hợp đồng BOT này khi đã có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và có biện pháp giảm thiểu thấp nhất rủi ro, không để xảy ra khiếu kiện, tranh chấp, phản ứng không tích cực của người dân.
Theo Bộ KH&ĐT, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ sẽ xem xét sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật PPP theo hướng cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình sẵn có. Với một số công trình có yêu cầu đặc thù, Bộ nêu rõ điều kiện để được áp dụng. Theo đó, đối với đường bộ cao tốc sẵn có hoặc đường bộ đang khai thác được cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc, được áp dụng với điều kiện phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật về đường bộ. Đối với công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp tới cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực thực hiện công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, phải được đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng bị tác động bởi dự án thông qua HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh nơi thực hiện dự án, hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đầu tư trước khi phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.
Nhìn lại những dự án BOT trên đường hiện hữu thực hiện trước khi Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 được ban hành (tháng 10/2017), khi đi vào vận hành gặp phản ứng gay gắt là do không đảm bảo quyền lựa chọn của người sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, nguồn cơn khiến dư luận bức xúc còn vì sự thiếu minh bạch, các dự án chủ yếu chỉ định thầu, thông tin dự án được công khai rất sơ lược ở danh mục dự án, thông tin về hợp đồng dự án tại thời điểm ký kết giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư BOT không được công khai rộng rãi. Người sử dụng dịch vụ bị đẩy vào thế đã rồi khi trạm thu phí mọc lên và cũng không đủ thông tin để biết mức phí phải trả là hợp lý hay không.
Đến nay, những vấn đề này sẽ khó có thể lặp lại. Luật PPP yêu cầu rất cao về công khai, minh bạch thông tin dự án PPP, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đến thực hiện hợp đồng. Các thông tin chủ yếu phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia như: quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án PPP; thông tin về lựa chọn nhà đầu tư (thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư); thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP. Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP phải công bố, gồm: tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án; giá, phí sản phẩm, dịch vụ; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có) và các thông tin cần thiết khác. Đồng thời, trừ một số trường hợp đặc biệt, các dự án PPP đều được đấu thầu rộng rãi.
Theo một số ý kiến, nếu làm đúng quy định, việc thu hút tư nhân đầu tư, nâng cấp công trình hiện hữu theo hợp đồng BOT, nhất là công trình giao thông đã xuống cấp, quá tải, không chỉ giúp huy động thêm nguồn lực đầu tư, mà còn tận dụng được năng lực quản trị, vận hành của khu vực tư nhân, giúp cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người sử dụng. Trong tổ chức thực hiện, cần đảm bảo vấn đề then chốt là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.