Mở rộng không gian thu hút đầu tư PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ nhu cầu phát sinh trong thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu, để khơi thông hơn nữa nguồn lực đầu tư, tháo gỡ nhanh vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án PPP.
Đến nay, dự án PPP chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực, gồm: giao thông vận tải, xử lý rác thải và cung cấp nước sạch. Ảnh: Lê Tiên
Đến nay, dự án PPP chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực, gồm: giao thông vận tải, xử lý rác thải và cung cấp nước sạch. Ảnh: Lê Tiên

Đề xuất mở rộng lĩnh vực, giảm quy mô

Khoản 1 Điều 4 Luật PPP quy định, dự án PPP được thực hiện trong 5 lĩnh vực giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.

Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, đến nay, dự án PPP chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực, gồm: giao thông vận tải (22 dự án đường bộ cao tốc, 3 dự án cảng hàng không, chiếm khoảng 80% tổng số dự án PPP mới), xử lý rác thải (3 dự án, chiếm khoảng 10%) và cung cấp nước sạch (3 dự án, chiếm khoảng 10%). Trong lĩnh vực y tế, có 2 dự án bắt đầu được UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Yên Bái nghiên cứu đề xuất triển khai theo phương thức PPP.

Thực tiễn thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương cho biết có tiềm năng và điều kiện thu hút đầu tư theo phương thức PPP trong một số lĩnh vực khác, nhưng chưa được quy định tại Luật PPP. Nhiều nhà đầu tư cũng thể hiện sự quan tâm đến những dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Quốc hội đã cho phép một số địa phương được áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, đầu tư xây dựng chợ... theo các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm áp dụng cơ chế đặc thù phát triển của địa phương.

Nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực có tiềm năng và đáp ứng nhu cầu, điều kiện thu hút đầu tư theo phương thức PPP của một số ngành, địa phương, Bộ KH&ĐT đề xuất xem xét sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật PPP để bổ sung một số lĩnh vực như: văn hóa, thể thao, hạ tầng chợ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước.

Về quy mô đầu tư, theo Luật PPP, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng, riêng dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và dự án thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.

Theo nhiều địa phương, mức vốn này là cao đối với lĩnh vực y tế, giáo dục; chưa tạo cơ chế mở, thông thoáng để huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều địa phương. Một số dự án có quy mô nhỏ mà địa phương có nhu cầu đầu tư và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhưng không đáp ứng yêu cầu quy mô tối thiểu.

Do vậy, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật PPP theo hướng hạ mức quy mô tối thiểu đối với các dự án này xuống 50 tỷ đồng đối với dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, hạ tầng chợ, hạ tầng công nghệ thông tin; dự án thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư mong muốn thực hiện những dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nhà đầu tư mong muốn thực hiện những dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Lê Tiên

Sửa đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn

Luật PPP được xây dựng theo tư duy lựa chọn dự án quy mô đủ lớn, trong những lĩnh vực có khả năng hoàn vốn, khả thi về tài chính để đầu tư. Theo một số chuyên gia, cách chọn lựa này là phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh rủi ro đổ vỡ về sau khi dự án đi vào vận hành, bởi lẽ dự án PPP phức tạp hơn đầu tư công và đầu tư tư nhân thuần túy, cần hài hòa được lợi ích, rủi ro của cả hai bên công - tư trong một hợp đồng dài hạn, cung cấp dịch vụ công có sự tác động đến nhiều đối tượng sử dụng. Thời gian chuẩn bị dự án PPP cũng kéo dài hơn và chi phí giao dịch lớn hơn đáng kể, cả đối với Nhà nước và cộng đồng nhà đầu tư. Vì thế các chuyên gia quốc tế khuyến nghị nên áp dụng PPP với dự án có quy mô đủ lớn, để hiệu suất đạt được có thể lớn hơn mức tăng của chi phí giao dịch.

Chia sẻ tại Hội nghị văn hóa toàn quốc gần đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, vào thời điểm xây dựng Luật PPP, Bộ KH&ĐT đã rà soát, tổng kết thực hiện hợp đồng BOT, BTO, BT. Các công trình văn hóa trong giai đoạn trước chủ yếu áp dụng loại hợp đồng BT, đã dừng thực hiện từ năm 2020 theo quy định của Luật PPP. Thực tế, các công trình văn hóa chưa chứng minh được khả năng tạo nguồn thu đủ bù đắp đầu tư ban đầu của khu vực tư nhân.

Theo Bộ KH&ĐT, trong hơn 3 năm thực hiện Luật PPP, có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP. Những dự án này đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ vốn nhà nước. Các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP dự kiến sẽ hình thành khoảng 1.000 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế tiêu chuẩn cấp 4C, 3 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 3 nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, thực tiễn cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mức sống người dân cao hơn, nhu cầu thưởng thức văn hóa, nhu cầu về y tế, giáo dục… ngày càng đòi hỏi chất lượng cung ứng dịch vụ tốt hơn. Nhà đầu tư cũng nhìn thấy khả năng sinh lời trong những lĩnh vực này nên mức độ quan tâm lớn hơn. Đồng thời, theo nhiều chuyên gia, làm PPP không phải chỉ để hút vốn, mà còn tận dụng được năng lực quản trị, vận hành tốt của khu vực tư nhân, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho xã hội. Do đó, nhiều địa phương rất mong muốn được mở rộng lĩnh vực để tối đa khả năng thu hút nguồn lực tư nhân thông qua PPP.

Lấy ví dụ về Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nếu cho tư nhân quản lý, vận hành chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần chỉ đạo cần huy động tối đa nguồn vốn tư nhân, đầu tư công chỉ là vốn mồi, cần tăng cường thu hút đầu tư PPP trong các lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể tham gia.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Trần Hào Hùng cho biết, những nội dung sửa đổi, bổ sung lần này gồm những vấn đề “đã chín, đã rõ” như chỉ đạo của Thủ tướng, là những vấn đề vướng mắc bất cập phát sinh đã có phương án xử lý tại các nghị quyết đặc thù của Quốc hội, Luật Thủ đô; thứ hai là những vướng mắc bất cập đã tồn tại trong thời gian dài cần xử lý, nếu không sẽ dẫn đến sự đình trệ trong thực hiện dự án PPP.

Với quy định về lĩnh vực đầu tư, quy mô tối thiểu, ông Trần Hào Hùng nêu quan điểm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư nhưng nhà đầu tư quan tâm, có thể làm được, chia sẻ rủi ro với Nhà nước thì nên khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Điều quan trọng là dự án đó phải đáp ứng 3 tiêu chí lớn: xác định rõ tính công - tư của dự án, công làm gì, tư làm gì; cơ chế quản lý vận hành của dự án; phương án tài chính của dự án, làm sao để nhà đầu tư có lợi nhuận, có khả năng hoàn vốn.

Tin cùng chuyên mục