Hoạt động đấu giá nợ xấu gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: NC st |
Thông qua hình thức đấu giá, DATC đã bán một số khoản nợ trong năm 2015 và tiếp tục triển khai trong năm 2016. Không tiết lộ con số cụ thể nhưng nguồn tin từ DATC cho biết, đến thời điểm này không có nhiều cuộc đấu giá nợ xấu diễn ra do có nhiều khó khăn và vướng mắc pháp lý.
Khó nhất là định giá
Nguồn tin từ DATC cho biết, từ khi tiến hành hoạt động mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại và thực hiện bán đấu giá, có những cuộc đấu giá không thành công do nhiều nguyên nhân. Gần đây nhất, phiên bán đấu giá khoản nợ phải thu của DATC tại Công ty 89 Bộ Quốc Phòng trị giá 10 tỷ đồng đã thất bại khi không có nhà đầu tư nào đăng ký mua. Nguyên nhân, theo nhận định của Công ty Đấu giá Việt Nam (đơn vị trung gian thực hiện giao dịch này), là giá khởi điểm đề ra khá cao. Để thanh lý tài sản này, giá đấu sẽ được điều chỉnh trong các phiên tiếp theo.
Ngay từ khi thành lập, một trong nhiều chức năng của DATC là mua bán các khoản nợ xấu tập trung vào tài sản và nợ xấu của DNNN, các khoản nợ mua về từ ngân hàng thương mại chưa phải lớn. Năm 2012, DATC đã có ý định mua nợ xấu của các ngân hàng tại Công ty Thủy sản Bình An nhưng sau đó phải nhường cho Ngân hàng SHB tham gia do có quá nhiều rắc rối trong việc định giá thực chất các khoản nợ. Hiện DATC đang ưu tiên mua những khoản nợ do DN gặp khó khăn mang tính ngắn hạn, hoạt động quản trị yếu kém hoặc khó khăn từ thị trường… Sau đó DATC chuyển nợ thành vốn góp và thực hiện tái cấu trúc DN. Sau một thời gian làm ăn hiệu quả, niêm yết CP trên thị trường tập trung và DATC sẽ thực hiện thoái vốn thu hồi khoản đầu tư.
Một chuyên gia của DATC cho biết, để đi đến quyết định có mua khoản nợ xấu hay không, Công ty phải nghiên cứu, tính toán rất nhiều yếu tố. Trước hết là tình trạng khoản nợ (con nợ có khả năng trả nợ hay không), tuổi nợ, có tài sản hay không, tài sản bảo đảm khoản nợ có khả năng thanh khoản hay không. Để định giá một món nợ, theo DATC có hai phương thức. Một là tính theo giá trị sổ sách và hai là giá trị tài sản bảo đảm. Theo nhận định của các chuyên gia về hoạt động mua, bán nợ, tính thanh khoản của các mặt hàng nợ xấu phụ thuộc vào tính chất từng mặt hàng. Ngoài việc mua nợ xấu có tài sản bảo đảm (thực chất là mua tài sản bảo đảm như đất đai, hàng hóa sau đó bán đi thu hồi vốn) việc mua nợ xấu không có tài sản bảo đảm sau đó tìm cách để thu hồi là công việc khó hơn rất nhiều. Bán đấu giá khoản nợ xấu đặc thù hơn so với bán đấu giá các loại tài sản khác. Đối với các loại tài sản thông thường mục tiêu chính là bán được với giá cao nhất còn đối với việc đấu giá các khoản nợ xấu thì bài toán đặt ra với người mua là làm sống lại các tài sản bị đắp chiếu và đây chính là mục tiêu chính trong xử lý nợ xấu.
Rào cản bàn giao tài sản bảo đảm
Thời gian gần đây, thị trường chứng kiến nhiều giao dịch nợ xấu bị tắc nghẽn liên quan đến việc bàn giao tài sản bảo đảm của các con nợ. Người mua và người bán đã chốt được giá nhưng con nợ lại không ký vào biên bản xác nhận 3 bên nên giao dịch vẫn không thể hoàn tất. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Mai Động nợ Vietinbank 35,4 tỷ đồng. Sau một thời gian gia hạn Công ty Mai Động không trả được khoản nợ, Vietinbank đã bán cho khách hàng Nguyễn Toàn Thắng nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục chuyển quyền chủ nợ hợp pháp cho ông Thắng (chưa ký giao nhận ba bên).
Những cản trở của người vay trong quá trình bàn giao tài sản chính là rào cản lớn nhất đối với việc mua, bán các khoản nợ. Muốn bán tài sản là khoản nợ xấu, chủ nợ phải trông chờ vào sự hợp tác của chủ sở hữu (người vay nợ). Theo Bộ luật Dân sự, “người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu.”
Luật Đấu giá Tài sản dự kiến được trình xem xét trong kỳ họp Quốc hội tới đây. Một cơ chế rõ ràng để vận hành thị trường mua, bán nợ xấu có thể được quy định trong Bộ Luật này. Tuy nhiên để thị trường vận hành trơn tru đòi hỏi phải dỡ bỏ những bất cập trong bộ luật khác như quy định việc chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm trong Bộ Luật Dân sự hiện nay.