Mua sắm tài sản công tập trung sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế. Ảnh: Nhã Chi |
Một trong những nguyên nhân khiến tài sản công bị tham ô, tham nhũng; sử dụng lãng phí, kém hiệu quả là chưa có luật định về quản lý, sử dụng tài sản công. Cũng do chưa có chế định cụ thể về việc mua sắm tài sản công nên đã dẫn tới tình trạng tham ô, tham nhũng qua việc gửi giá, lại quả. Để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, ngăn chặn tình trạng tham ô, tham nhũng, Bộ Tài chính (BTC) đã bắt tay vào xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Mua sắm tài sản công phải đấu thầu tập trung
Theo quy định của Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đang được BTC xây dựng, việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Các cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng được giao quản lý tài sản công, đối tượng được giao sử dụng tài sản công có trách nhiệm thực hiện công khai về tình hình thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công; danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ, tài sản công cũng phải được công khai trên cổng thông tin điện tử; niêm yết công khai tại những nơi quy định; công bố tại các kỳ họp. Việc quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được giám sát bởi cộng đồng thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì.
Nếu triển khai mua sắm tập trung đối với toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước thì dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.200 tỷ đồng/năm.
Ngoài quy định cụ thể các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công như sử dụng tài sản công không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng tài sản công lãng phí hoặc không sử dụng tài sản được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về tài sản công... BTC dự kiến quy định cụ thể về việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo đó, nếu được Quốc hội thông qua, thay vì các đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản công được quyền chủ động mua sắm dễ dẫn đến tiêu cực, tham ô, tham nhũng bằng nhiều hình thức khác nhau như gửi giá, lại quả, hoa hồng… như hiện nay, kể từ 1/1/2018, khi có nhu cầu sử dụng tài sản có giá trị lớn và nằm trong danh mục hàng hóa mua sắm tập trung do Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương ban hành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức gửi nhu cầu về đơn vị mua sắm tập trung.
Đơn vị mua sắm tập trung sẽ tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng hoặc ký văn bản thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đối tượng có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản.
Tiết kiệm 30.200 tỷ đồng/năm nếu đấu thầu tập trung
Khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, bảo đảm công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hoá các khoản hoa hồng từ mua sắm, năm 2008, BTC đã thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hoá có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn tại 25 bộ, ngành, địa phương.
Theo số liệu tổng hợp của BTC từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm là hơn 467 tỷ đồng. “Nếu mở rộng phạm vi áp dụng thì số tiền chênh lệch và hiệu quả mua sắm công sẽ lớn hơn rất nhiều”, một quan chức BTC nhận định.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính cho biết, qua 7 năm thí điểm, mua sắm tài sản công tập trung đã tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Các bộ, địa phương áp dụng mua sắm tập trung không còn tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả. Ngoài ra, việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung đã đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…
Cũng theo ông Trần Đức Thắng, khi thực hiện mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung sẽ tiết kiệm chi ngân sách; giảm giá mua; giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu. Chi mua sắm hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương 201.340 tỷ đồng. Như vậy, nếu triển khai mua sắm tập trung đối với toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước thì dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.200 tỷ đồng/năm.
Vẫn theo ông Trần Đức Thắng, chi ngân sách cho mua sắm theo phương thức tập trung sẽ được tiết kiệm do mua sắm với số lượng lớn thì giá mua giảm. Ngoài ra, khi thực hiện mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung sẽ tiết kiệm chi phí do khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ; chất lượng hàng hóa dịch vụ tốt hơn do có nhiều nhà thầu tham gia nên có cơ hội để chọn những nhà cung cấp lớn, có giá cả cạnh tranh và chất lượng tốt; giảm đáng kể sai phạm trong việc mua sắm công do đơn vị mua sắm có tính chuyên nghiệp cao; đồng thời, đơn vị mua sắm và đơn vị sử dụng độc lập với nhau sẽ hạn chế được những sai phạm do đơn vị sử dụng câu kết với nhà cung cấp để ký khống các hợp đồng mua sắm (tăng giá hoặc số lượng so với thực tế mua sắm).
Ông Thắng cho rằng, khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công được tăng cường do số lượng cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm công giảm mạnh (chỉ còn khoảng 170 đầu mối).