Mua thuốc tập trung cấp quốc gia: Chọn xong nhà thầu trước ngày 15/7?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế vừa mở hồ sơ đề xuất tài chính của 3 gói thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia thuộc Dự toán Cung cấp thuốc giai đoạn 2022 - 2023 với tổng dự toán 9.189 tỷ đồng. Đây là những gói thầu được khởi động từ tháng 10/2021, phải gia hạn thời điểm đóng thầu tới 6 lần.
Một số nhà thầu tham dự cả 3 gói thầu như: Công ty CP Dược liệu Trung ương 2, Công ty CP Dược phẩm SAVI, Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội… Ảnh: Bích Thủy
Một số nhà thầu tham dự cả 3 gói thầu như: Công ty CP Dược liệu Trung ương 2, Công ty CP Dược phẩm SAVI, Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội… Ảnh: Bích Thủy

Ba gói thầu mua thuốc tập trung được phân chia theo khu vực. Trong đó, Gói thầu số 01 Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022 - 2023 (mã hiệu: ĐTTT.01.2021) có 86 mặt hàng với giá dự toán là 2.902 tỷ đồng. Gói thầu số 02 Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2023 (mã hiệu: ĐTTT.02.2021) có 106 mặt hàng với giá dự toán là 1.837 tỷ đồng. Gói thầu số 03 Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam giai đoạn 2022 - 2023 (mã hiệu: ĐTTT.03.2021) có 106 mặt hàng với giá dự toán là 4.450 tỷ đồng.

Thông báo mời thầu của các gói thầu trên được công bố ngày 24/9/2021 với thời điểm đóng/mở thầu là ngày 15/10/2021. Tuy nhiên, sau đó, Bên mời thầu phải gia hạn tới 6 lần và thời điểm đóng thầu cuối cùng là ngày 28/2/2022. Để tham dự thầu, các nhà thầu phải gia hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu, bảo đảm dự thầu, số đăng ký lưu hành… Hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các gói thầu được mở cùng ngày với 150 lượt nhà thầu tham dự.

Ngày 22/6/2022, kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật được Bộ Y tế phê duyệt. Theo đó, Gói thầu số 01 có 46 nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật nên được đánh giá về đề xuất tài chính (trong đó có 3 nhà thầu liên danh và 43 nhà thầu độc lập). Gói thầu số 02 có 44 nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật (trong đó có 3 nhà thầu liên danh và 41 nhà thầu độc lập). Gói thầu số 03 có 44 nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật (trong đó có 3 nhà thầu liên danh và 41 nhà thầu độc lập).

Một số nhà thầu tham dự cả 3 gói thầu, có thể kể đến Công ty CP Dược liệu Trung ương 2, Công ty CP Dược phẩm SAVI, Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội, Công ty CP Dược phẩm Hậu Giang…

Tại Lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính, một số nhà thầu không có đại diện tham dự nhưng Bên mời thầu vẫn tiến hành mở thầu công khai đúng quy định. Đại diện những nhà thầu tham dự và các bên xác nhận hồ sơ đề xuất tài chính của các gói thầu còn nguyên niêm phong, công khai tổng giá trị dự thầu, thư giảm giá… Đơn cử, Công ty CP Thương mại dịch vụ Thăng Long (Hà Nội) có tổng giá trị dự thầu Gói thầu số 01 là 114,245 tỷ đồng, Gói thầu số 02 là 81,783 tỷ đồng và đều không có thư giảm giá; Công ty CP Đại An Phú (TP.HCM) có tổng giá trị dự thầu Gói thầu số 03 là hơn 12 tỷ đồng (không có thư giảm giá)…

Lý giải về sự chậm trễ trong công tác tổ chức đấu thầu, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia Nguyễn Thị Ngọc Bảo đưa ra một số nguyên nhân như thiếu nhân sự do cán bộ bị nhiễm Covid-19; do cách hiểu không thống nhất đối với cùng một văn bản pháp luật, mất rất nhiều thời gian để giải trình, làm rõ… Đại diện Bên mời thầu cam kết tập trung cao độ để hoàn thành lựa chọn nhà thầu trước ngày 15/7/2022. Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, Bộ Y tế sẽ ký thỏa thuận khung với các nhà thầu trúng thầu. Trên cơ sở thỏa thuận khung, các cơ sở y tế sẽ tiến hành ký kết hợp đồng trực tiếp với nhà thầu để kịp thời cung ứng thuốc cho người bệnh.

Tin cùng chuyên mục