Mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030: Khai thác nguồn lực từ địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Chính phủ có chủ trương giao và trao quyền cho địa phương làm chủ đầu tư để triển khai các tuyến cao tốc được xem là giải pháp mạnh trong việc hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Ước tính tổng vốn đầu tư để hoàn thành 5.000 km đường cao tốc là khoảng 844.263 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
Ước tính tổng vốn đầu tư để hoàn thành 5.000 km đường cao tốc là khoảng 844.263 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Theo một chuyên gia về giao thông, để hoàn thành mục tiêu nước ta có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 là một thách thức rất lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới đưa vào khai thác 1.163 km, đang làm các thủ tục đầu tư 916 km đường cao tốc. Như vậy, từ nay đến năm 2030 còn chưa đầy 10 năm nữa phải hoàn thành hơn 3.800 km đường cao tốc mới đạt mục tiêu đề ra. Thách thức này là rất lớn bởi nguồn lực để thực hiện hàng nghìn km đường cao tốc không hề nhỏ, vốn ngân sách không đủ, phải huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách. Thực tiễn thu hút nguồn lực ngoài ngân sách thời gian qua cho thấy, đây không phải là bài toán dễ dàng. Theo kịch bản ban đầu, cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 8 dự án đầu tư PPP nhưng tính đến thời điểm hiện tại đã phải chuyển đổi hình thức đầu tư 5 dự án PPP sang đầu tư công (có 8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông phải sử dụng vốn ngân sách).

Con số tổng vốn đầu tư mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ước tính để đạt được mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường cao tốc cần khoảng 844.263 tỷ đồng, bên cạnh việc nỗ lực bố trí nguồn lực từ ngân sách, trong giai đoạn 2021 - 2025 phải huy động ngoài ngân sách khoảng 193.599 tỷ đồng, trong giai đoạn 2026 - 2030 huy động ngoài ngân sách khoảng 185.871 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, tới đây sẽ thực hiện phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, quốc lộ, cao tốc đi qua tỉnh nào thì giao tỉnh đó làm chủ đầu tư. Khi đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là định hướng chiến lược của Chính phủ và là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển 5.000 km cao tốc đến năm 2030.

Theo một chuyên gia về đầu tư, các tuyến cao tốc có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của địa phương nên địa phương nào cũng sẽ quyết tâm và mong muốn thực hiện. Khi giao cho địa phương làm chủ đầu tư các tuyến cao tốc, trách nhiệm của địa phương đối với công tác giải phóng mặt bằng, việc thu xếp nguồn lực để thực hiện sẽ cao và hiệu quả hơn. Với những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn, có lợi thế thương mại về đất sẽ có điều kiện trong việc thu xếp nguồn vốn, dồn lực thực hiện các công trình cao tốc được giao. Tuy nhiên, để “vận hành” vai trò chủ đầu tư của 1 dự án cao tốc hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng, đòi hỏi các địa phương phải có năng lực thực sự. Một số khâu trong thực hiện dự án khảo sát thiết kế, lựa chọn tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, quản lý dự án, khai thác vận hành… đòi hỏi tính chuyên sâu, chuyên nghiệp và kỹ thuật rất cao, không phải địa phương nào cũng làm được. Vì thế, trước khi thực hiện phân quyền cho các địa phương đầu tư đường cao tốc, cần có sự tổng kết, đánh giá về kết quả thu hút đầu tư, năng lực thực hiện của các địa phương thời gian qua, các giải pháp thu hút đầu tư, năng lực điều hành của từng địa phương.

Theo Bộ GTVT, Luật PPP quy định, Thủ tướng Chính phủ là người quyết định giao cho bộ, ngành hay địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP. Vì thế, chủ trương giao cho các địa phương thực hiện đầu tư các dự án cao tốc theo hình thức PPP hiện không có vướng mắc. Tuy nhiên, để đảm nhiệm vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại các dự án đầu tư cao tốc, quốc lộ theo hình thức PPP, các địa phương phải hội tụ đủ nguồn lực triển khai. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để tham mưu Chính phủ xây dựng các tiêu chí cụ thể về việc phân cấp, ủy quyền cho từng địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở các dự án cao tốc triển khai theo hình thức PPP. Tuy nhiên, có một chút vướng mắc khi thực hiện phân quyền đầu tư cho các địa phương nằm ở quy định của Luật Ngân sách, liên quan đến phần vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương tham gia vào dự án PPP. Luật Ngân sách quy định, ngân sách trung ương sẽ chi cho các dự án do Trung ương đầu tư, còn các dự án do địa phương thực hiện sẽ dùng ngân sách của địa phương. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc này, Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để thực hiện.

Tin cùng chuyên mục