Mượn cớ CPI, cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ “đòi” theo chân quốc lộ 5 tăng phí. Ảnh: P.V |
Xin tăng phí vì “trượt giá”
Ngày 5.4 trong thông báo gửi báo giới, VEC cho biết đã kiến nghị lên Bộ GTVT để tăng mức phí trung bình từ 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn, xe con mỗi kilômét (CPU/km) lên 2.000 đồng. Mức tăng này có thể sẽ đẩy mức phí lên từ 20.000 đồng/xe cho chặng Cầu Giẽ - Vực Vòng lên mức 25.000 đồng/xe với xe du lịch, mức 30.000 đồng/xe cho chặng Cầu Giẽ - Liêm Tuyền lên mức 40.000 đồng/xe và toàn chặng từ 70.000 đồng/xe lên 90.000 đồng/xe. Lý do điều chỉnh tăng được VEC lý giải là sau gần 4 năm thông toàn tuyến, đường cao tốc này vẫn giữ mức phí như phương án ban đầu 1.500 đồng/CPU/km trong khi CPI đã tăng tới 21% và dẫn tới tình trạng trượt giá. Việc hoàn tất các hạng mục phụ trong thời gian qua cũng được đưa ra như một lý do để tăng phí dù các hạng mục này đều nằm trong quy hoạch dự án ban đầu.
Trả lời các câu hỏi của PV Báo Lao Động, ông Đỗ Chí Chung - Chánh Văn phòng VEC - cho biết việc tăng phí này đã nằm trong lộ trình từ trước và nếu không tăng phí sẽ ảnh hưởng tới quá trình hoàn vốn và có thể kéo dài thời gian hoàn vốn. Khi đề cập tới phương án tài chính cũng như thời gian hoàn vốn dự kiến, ông Chung cho rằng hiện VEC đang tiến hành cổ phần hoá nên việc này cũng ảnh hưởng tới phương án tài chính cho cả 5 dự án BOT trong đó có dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình. Sau khi tính toán lại phương án tài chính dựa trên cả kết quả kiểm toán trong thời gian thu phí gần 4 năm qua, VEC mới đưa ra mức phí cần tăng để đảm bảo quá trình hoàn vốn cũng như duy trì thời gian hoàn vốn dự kiến.
Bộ chưa đồng ý sẽ... xin tiếp
Cùng ngày 5.4, Thứ trưởng điều hành Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định với PV Báo Lao Động về việc đã nhận được đề xuất của VEC và bộ đang xem xét nhưng sẽ từ chối và phí sẽ chưa tăng từ ngày 15.5 như VEC đề xuất. Trước thông tin Bộ GTVT chưa đồng ý, ông Chung cho rằng VEC sẽ phải thuyết phục và đưa ra phương án để khả thi cho việc hoàn vốn. “VEC sẽ phải tính toán lại rất cụ thể bởi việc không được phép tăng có thể sẽ kéo dài thêm thời gian thu phí”. Ông Chung cũng lý giải rằng trượt giá quá mức dự kiến của doanh nghiệp (DN) để đảm bảo phương án hoàn vốn nên phải đề xuất tăng và cho rằng nếu sắp tới CPI giảm có thể sẽ giảm phí còn nếu tăng thì lại phải tính toán lại. Liên quan tới vấn đề thời gian hoàn vốn của dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Chung cho biết sẽ trao đổi cụ thể sau khi làm việc với các phòng ban chuyên môn.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bộ - Giám đốc Cty vận tải Vietbus 27-7, chạy tuyến Hà Nội - Nam Định - Thái Bình - cho rằng luật quy định phải 70km mới có một trạm thu phí nhưng bây giờ riêng tuyến Hà Nội - Thái Bình chiều dài 100km đã có tới 4 trạm thu phí nên việc VEC xin tăng phí Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho các DN vận tải vốn đang phải chịu phí chồng phí. Ông Bộ cho biết hiện nay nếu tính chi phí hoạt động với vài chục đầu xe, DN này mỗi tháng mất “cả một chiếc ôtô” chỉ để trả phí cầu đường nên việc nhà đầu tư lại xin tăng phí thì DN vận tải “cũng chẳng còn gì để nói nữa”.
Đánh giá về đề xuất xin tăng phí của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng việc đưa ra mức phí cần phải phù hợp với thu nhập của người dân, thu nhập người dân thấp mà thu phí quá cao thì ảnh hưởng tới người dân, tới cộng đồng tạo ra các hệ luỵ khác. Với tuyến Hà Nội - Thái Bình, có tới 4 trạm thu phí và nếu tăng phí tiếp, tiền xăng không bằng tiền phí. Ông Liên cho rằng: Việc thu phí này được thực hiện để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nên mới tăng và vấn đề này Hiệp hội Vận tải đã nói nhiều rồi và cũng không muốn nói nữa vì “nói họ chả nghe và nói chẳng giải quyết vấn đề gì”.