Nan giải xử lý dự án PPP ngưng trệ tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm tháng 9/2024 của TP.HCM tiếp tục ghi nhận một thực tế khó xử với hàng loạt dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngành giao thông. Trong đó, nan giải nhất là Dự án Xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã bê trễ nhiều năm, TP.HCM dự tính sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng đến nay vẫn không thể xác định được khối lượng, giá trị hợp pháp do Nhà đầu tư đã thực hiện.
Các dự án PPP giao thông đình trệ, kéo dài tại TP.HCM đang phát sinh nhiều hệ lụy lớn, đặc biệt là chi phí lãi vay đối với nhà đầu tư. Ảnh: Gia Minh
Các dự án PPP giao thông đình trệ, kéo dài tại TP.HCM đang phát sinh nhiều hệ lụy lớn, đặc biệt là chi phí lãi vay đối với nhà đầu tư. Ảnh: Gia Minh

Ban điều hành dự án PPP thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông TP.HCM cho biết, Dự án Xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang chậm tiến độ nghiêm trọng. Theo đó, Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2017, với tổng vốn đầu tư 1.557,5 tỷ đồng, nhưng đến nay gặp vô vàn vướng mắc. Trước đó, vào tháng 10/2023, TP.HCM đã có chỉ đạo thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT Dự án với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Nhà đầu tư) và Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương (Doanh nghiệp dự án).

Tuy nhiên, từ đó đến nay, cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản, cuộc họp với các sở, ngành về Dự án, song việc phối hợp, đôn đốc Nhà đầu tư cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu liên quan để xác định khối lượng, giá trị hợp pháp đã thực hiện và lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán hồ sơ quyết toán khối lượng chưa thể dứt điểm.

Cụ thể, theo Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM, Doanh nghiệp dự án lẫn Nhà đầu tư đều trình bày các khó khăn liên quan đến việc cung cấp hồ sơ khối lượng đã thực hiện tại Dự án và đề nghị Thành phố xem xét gia hạn thời gian hoàn thành công tác lập và xác định khối lượng. Để xử lý dứt điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có ý kiến về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Nhà đầu tư. Tuy nhiên, điểm khó của phương án này là cho đến nay vẫn chưa xác định được khối lượng, giá trị hợp pháp do Nhà đầu tư đã thực hiện.

Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Dự án được khởi công từ tháng 10/2016, thời gian thực hiện là 20 tháng. Nhà đầu tư tạm ngưng thi công từ tháng 6/2018 đến nay. Tình hình thi công cụ thể cho thấy, 7/7 gói thầu chính tại Dự án đã triển khai trên công trường. Tổng giá trị thi công mới đạt 164,06/913.138 tỷ đồng.

Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, Thủ Đức (hợp đồng BT) cũng bị đình trệ, kéo dài do liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh Dự án. Cụ thể, dù khởi công đã nhiều năm, nhưng Gói thầu XL-01 thuộc Dự án chưa có đủ mặt bằng để thi công. 2 gói thầu khác thuộc Dự án là Gói thầu XL-02 và Gói thầu CK-04 cũng mới chỉ đạt lần lượt 59,6% và 75% giá trị hợp đồng xây lắp. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2017, tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 1.134,6 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng); Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Văn Phú Bắc Ái.

Một số dự án BT khác như: Dự án Đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (vướng mắc mặt bằng); Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (vướng mắc về ký phụ lục hợp đồng, sắp xếp vốn cho Dự án)… đều đang phát sinh nhiều hệ lụy, đặc biệt là gánh nặng chi phí lãi vay đối với nhà đầu tư. Hầu hết các dự án đều có thời gian triển khai gần 10 năm, dẫn tới loạt công trình trọng điểm dở dang, không thể đưa vào sử dụng, gây lãng phí.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ triển khai nhiều dự án PPP trong thời gian tới, trong đó có Dự án Xây dựng Vành đai 2 TP.HCM, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (quy mô 4.543 tỷ đồng); Dự án Xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (quy mô 19.617 tỷ đồng)… Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, mỗi dự án bị đình trệ, kéo theo dù vì nguyên nhân nào cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, niềm tin của nhà đầu tư. “TP.HCM triển khai nhiều dự án PPP khi khung pháp lý chưa hoàn thiện, dẫn tới phát sinh, phải xử lý kéo dài. Chưa kể, có nhiều dự án, nhà đầu tư mắc kẹt do mặt bằng. Dù là vướng mắc gì, Thành phố cũng cần tận dụng các chính sách của Nghị quyết số 98/2023/QH15 để đẩy nhanh tiến độ gỡ vướng cho từng dự án theo thẩm quyền, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư”, ông Lịch nói. Nếu không xử lý dứt điểm các tồn đọng của các dự án cũ, việc triển khai dự án mới sẽ khó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục