Nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang: Hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) đang trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) gói thầu xây lắp và gói thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện (tổng mức đầu tư Dự án là 76,218 tỷ đồng). Theo phản ánh của một số nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) của 2 gói thầu nêu trên đều bao hàm một số tiêu chí hạn chế cạnh tranh.
Toàn cảnh Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang và khu vực đang được đầu tư xây dựng mở rộng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Toàn cảnh Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang và khu vực đang được đầu tư xây dựng mở rộng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang vừa mở thầu Gói thầu số 01 Thi công xây dựng (giá dự toán 29,611 tỷ đồng) và Gói thầu số 02 Tư vấn giám sát (giá dự toán 781 triệu đồng). Theo đó, mỗi gói thầu thu hút sự tham dự của duy nhất một nhà thầu.

Tại Gói thầu số 01, trong số các tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm, HSMT yêu cầu số lượng 2 hợp đồng tương tự. Trong đó, khái niệm tương tự được HSMT quy định bao hàm tương tự về điều kiện địa lý, địa chất. Tiêu chí này, theo phản ánh của các nhà thầu, mang tính chất cục bộ, địa phương, có thể gây ra hạn chế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, một tiêu chí “có vấn đề” khác là điều kiện về giấy phép khai thác còn hiệu lực đối với nguyên vật liệu cát. Nội dung này được HSMT áp dụng đánh giá theo tiêu chí đạt/không đạt.

Tại Gói thầu số 02, các nhà thầu trong lĩnh vực tư vấn cũng phản ánh một số tiêu chí được cho là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, tại mục giải pháp và phương pháp luận thuộc tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có đề xuất văn phòng giám sát hiện trường hoặc có hợp đồng nguyên tắc bố trí văn phòng giám sát hiện trường trên địa bàn thực hiện dự án (có tài liệu chứng minh kèm theo gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê nhà). Nhà thầu cho rằng, việc phải có các loại giấy tờ này tại giai đoạn đấu thầu là chưa hợp lý.

Thêm vào đó, các tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự yêu cầu các vị trí nhân sự đáp ứng chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tương ứng từ hạng II trở lên. Trong khi đó, nhà thầu cho rằng, các loại chứng chỉ hạng III trở lên là có thể đáp ứng quy mô gói thầu đang xét.

Trước các kiến nghị điều chỉnh HSMT từ phía các nhà thầu, Chủ đầu tư chỉ điều chỉnh tiêu chí đánh giá về nhân sự tại HSMT Gói thầu số 02. Theo đó, yêu cầu các vị trí nhân sự đáp ứng chứng chỉ hạng III trong lĩnh vực tương ứng. Đối với những nội dung còn lại, Chủ đầu tư giữ quan điểm bảo lưu toàn bộ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, tại Gói thầu số 01, về điều kiện giấy phép khai thác còn hiệu lực đối với nguyên vật liệu cát, HSMT có thể quy định mở hơn theo hướng yêu cầu nhà thầu đưa ra các cam kết về tính sẵn sàng đáp ứng, thay vì nêu ra các yêu cầu về vị trí mỏ hoặc giấy phép khai thác...

Với tiêu chí “tương tự về điều kiện địa lý, địa chất”, một chuyên gia đấu thầu khuyến nghị, khi xây dựng các tiêu chí trong HSMT, chủ đầu tư/bên mời thầu cần đưa ra các quy định rõ ràng, tránh tình trạng “mập mờ”, gây khó khăn cho các nhà thầu trong việc tiếp cận.

Về một số tiêu chí gây tranh cãi tại Gói thầu số 02, vị chuyên gia bình luận, việc Chủ đầu tư kịp thời điều chỉnh một số nội dung theo kiến nghị của nhà thầu là động thái đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc “sửa sai” chưa triệt để cũng có thể là một trong những yếu tố dẫn đến việc mỗi gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự.

Kết quả mở thầu cho thấy, tại Gói thầu số 01, nhà thầu duy nhất nộp HSDT là Công ty CP Xây lắp Nam Hải, với giá dự thầu 29,58 tỷ đồng, giảm 0,1% so với giá gói thầu.

Tại Gói thầu số 02, Liên danh Công ty CP Khoa học và Công nghệ xây dựng - Công ty CP Cơ điện và Công nghệ EMC là nhà thầu duy nhất tham dự, với giá dự thầu 624 triệu đồng, giảm giá 20%.

Các nhà thầu có đơn kiến nghị đều không nộp HSDT tại 2 gói thầu nêu trên.

Tin cùng chuyên mục