Dòng vốn mới cần phải được giám sát và kiểm soát tốt để đi vào sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
So sánh với mục tiêu tăng trưởng ban đầu là 18% thì số tiền sẽ được bơm thêm vào nền kinh tế là 220 nghìn tỷ đồng. “Liều thuốc tăng lực” này liệu có gây nên tác dụng phụ cho nền kinh tế?
Thanh khoản ngân hàng dồi dào
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tín dụng 8 tháng đầu năm 2017 ước tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2016. Như vậy, so với kế hoạch tăng 22%, thì 8 tháng đầu năm mới chỉ hoàn thành 52,27% và trong 4 tháng cuối năm số tiền sẽ phải bơm vào nền kinh tế là 578 nghìn tỷ đồng. Điều này cũng dễ hiểu khi nhiều năm qua, tín dụng chủ yếu tập trung tăng trưởng vào những tháng cuối năm.
Trong năm 2017 tăng trưởng tín dụng luôn lớn hơn tăng trưởng huy động. 8 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn ước đạt 9,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,4%); còn tăng trưởng tín dụng 8 tháng đạt khoảng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%). Mặc dù vậy, thị trường tiền tệ trong thời gian gần đây lại không cho thấy dấu hiệu căng thẳng.
UBGSTCQG cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn khá dồi dào. Biểu hiện là việc lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ so với cuối tháng 7/2017 từ 0,2 đến 0,3 điểm %, trong khi lũy kế đến hết tháng 8 NHNN đã hút ròng 32.632 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, thanh khoản thời gian tới nhiều khả năng vẫn tương đối dồi dào do được hỗ trợ thêm từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Cụ thể, tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 8/2017, tiền gửi của KBNN là khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm.
Ngoài ra, giá mua USD tại NHNN đang niêm yết là 22.725 đồng, cao hơn 35 đồng so với mức giá mua USD phổ biến tại các ngân hàng hiện nay là 22.690 đồng. Điều này cho thấy NHNN đang hướng tới mục tiêu kích thích doanh nghiệp bán USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối. Đây cũng là biện pháp nhằm tăng cung tiền VND nhằm hạ nhiệt lãi suất trên thị trường.
Một câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế có thể hấp thụ nguồn tín dụng này hay không? Theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng, để trả lời câu hỏi này cần số liệu về các khoản tín dụng đang chờ giải ngân của các dự án từ phía các tổ chức tín dụng. Mặc dù chưa có con số cụ thể nhưng gần đây nhiều ngân hàng đã gửi văn bản lên NHNN để xin nới thêm hạn mức tín dụng.
Rủi ro tiềm ẩn
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 22% là khá cao. Thông thường tăng trưởng GDP là 6,7% thì tăng trưởng tín dụng gấp khoảng 2,5 lần, tức là tăng trưởng tín dụng ở mức 16,75%. Như vậy, mục tiêu ban đầu 18% đã là cao rồi, nên kế hoạch tăng 22% sẽ gây ra nhiều rủi ro về nợ xấu trong tương lai. Một mối lo khác là tiền không đi vào sản xuất kinh doanh để giúp tăng trưởng kinh tế, mà đi vào thị trường thứ cấp như bất động sản và chứng khoán.
Ngoài ra, việc cung ứng một lượng tiền lớn như vậy vào lưu thông sẽ gây áp lực lên lạm phát do cả cầu kéo và chi phí đẩy. Đặc biệt là trong bối cảnh CPI tháng 8 đã có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, theo số liệu của UBGSTCQG, CPI tháng 8/2017 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, lạm phát so với cùng kỳ sau 6 tháng liên tục giảm đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8, cho dù lạm phát cơ bản tháng 8 vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp, chỉ tăng 1,31% so với cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2017 cũng tăng 3,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, vẫn thấp hơn kế hoạch 4%. Theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng, lạm phát thường có độ trễ từ 9 đến 12 tháng so với tăng trưởng tín dụng nên áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm sẽ không lớn.
Tăng trưởng tín dụng 21 - 22% sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 là 6,7%, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, dòng vốn mới cần phải được giám sát và kiểm soát tốt để đi vào sản xuất kinh doanh, giúp tăng trưởng kinh tế thay vì đầu cơ.