Ảnh Internet |
Đồng loạt tăng lãi suất
Theo quy luật, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhu cầu về vốn tăng đột biến khi hoạt động thanh toán, dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp diễn ra với nhịp độ cao hơn. Các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị nguồn tiền trả lương, thưởng cho người lao động... Để đáp ứng nhu cầu này, các ngân hàng (NH) phải chuẩn bị nguồn vốn thông qua biện pháp tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong dân.
Có thể thấy, việc điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian qua diễn ra trên diện rộng. Cụ thể, bước sang năm 2016, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienViet Post Bank) điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,18% lên 4,38%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 4,54% lên 4,74%/năm. Mức lãi suất mới được NH này áp dụng ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2016.
Với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), từ ngày 11/1/2016, NH này đã công bố biểu lãi suất với mức tăng từ 0,1% - 0,35%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn ngắn có mức tăng nhẹ 0,1%, ví dụ như kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,8%/năm lên 4,9%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,95%/năm lên 5,05%/năm... Các kỳ hạn dài hơn như 15 tháng, 18 tháng, 36 tháng cũng có mức tăng tương tự. Đáng chú ý, kỳ hạn 24 tháng được Techcombank điều chỉnh tăng với mức tăng cao nhất 0,35%/năm lên mức 6,8%/năm.
Tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất được điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,5% tập trung vào kỳ hạn 1 - 2 tháng. Riêng kỳ hạn 6 - 7 tháng tăng mạnh lên 6,4%/năm, vọt lên so với mặt bằng chung (khoảng 5,4 - 5,6%/năm).
Việc tăng lãi suất còn có sự góp mặt của cả các NH lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi NH này điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm 0,5 -0,8% ở các kỳ hạn 1 - 3 tháng. Đưa mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4% lên 4,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,3% lên 5%/năm và kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,5% lên mức 5,2%/năm.
Xu hướng mới trên thị trường tiền tệ?
Như vậy sau 4 năm liên tục giảm, lãi suất trên thị trường đang tăng trở lại. Liệu đây có phải là một xu hướng mới trên thị trường tiền tệ hay chỉ là hiện tượng thường thấy mỗi dịp cao điểm trước Tết?
Nhiều chuyên gia tài chính đã dự báo về khả năng lãi suất tăng bất chấp lạm phát đứng ở mức thấp kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua. Kế hoạch huy động vốn qua trái phiếu chính phủ (TPCP) quy mô lớn để bù đắp bội chi và cơ cấu huy động vốn dựa chủ yếu vào dòng tiền của NH được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trước đó, hàng loạt các đợt đấu giá TPCP trong những tháng cuối quý III đầu quý IV/2015 rơi vào tình trạng ế ẩm. Trái phiếu dài hạn không bán được, lãi suất trái phiếu liên tục tăng lên.
Chia sẻ về cơ hội giảm lãi suất trong năm 2016, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong năm 2016 này, không những lãi suất khó giảm, mà ngược lại chính lạm phátđược dự báosẽ tăng và cùng với 2 yếu tố khác đang tạo áp lực tăng lãi suất.
2 yếu tố khác theo ông Lê Xuân Nghĩa đó là diễn biến trên thị trường TPCP với lợi suất TPCP đang lên mạnh, tạo áp lực tăng lãi suất, nhất là lãi suất đầu vào của các NH. Yếu tố thứ hai tác động lên lãi suất đó là nợ xấu. “Xử lý nợ xấulàm từ từ, khiến tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng chi phí của ngành NH tăng liên tục, từ khoảng 16% lên 23%. Nguyên nhân là để xử lý nợ xấu, các NH phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Bởi vậy, các NH khó có thể giảm lãi suất cho vay khi mà chi phí hoạt động cao”, ông Nghĩa nhận định.
Về phía NH, với góc nhìn lạc quan, lãnh đạo một số NH cho rằng, có thể có những yếu tố đang gây áp lực lên hệ thống NH và góp phần làm tăng lãi suất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chính nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh đang hồi phục trở lại là yếu tố quan trọng tác động đến lãi suất.
Nhận định về triển vọng lãi suất năm 2016, một số chuyên gia tài chính cho rằng, cần cân nhắc những yếu tố quan trọng có khả năng tác động đến diễn biến lãi suất, và rất có thể năm 2016 lãi suất sẽ đi theo một chu kỳ mới. Nhận định này được xem là có cơ sở khi thời điểm hiện tại có thể chưa thành xu hướng, nhưng những tín hiệu mới trên thị trường NH khiến nhiều người không còn nghĩ tới khả năng lãi suất cho vay có thể được hạ tiếp mà thay vào đó là tăng.