Để tránh rủi ro, các ngân hàng sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận nhưng không thể giảm chuẩn tín dụng. Ảnh: Phú An |
Chia sẻ quan điểm về việc thực hiện gói hỗ trợ tín dụng, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Ngân hàng VietinBank nhìn nhận: “Nói hỗ trợ thì dễ bị hiểu lầm là cho đi. Bản chất ở đây là chia sẻ, khách hàng là bạn, là đối tác của ngân hàng. Hai bên cùng nương tựa vào nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch”.
Còn theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank, thực hiện gói hỗ trợ này, ngân hàng cũng lo lắng bởi phải đi huy động vốn rồi cho vay lại, trong khi vẫn phải nỗ lực cắt giảm chi phí, giữ hoạt động an toàn.
“Điều này lý giải vì sao có một số doanh nghiệp với phương án kinh doanh chưa đảm bảo, không có vốn tự có thì chưa tiếp cận được vốn. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, tăng số hóa để phục vụ nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro”, ông Nghiêm Xuân Thành bày tỏ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, ở khía cạnh nào đó, bản thân doanh nghiệp cũng chưa nỗ lực lắm. Thậm chí các ngân hàng còn cạnh tranh nhau để thu hút khách hàng tốt. Thực tế, ngành ngân hàng đang tiếp cận 12 nghìn doanh nghiệp, đang giải quyết với nguồn vốn 13.500 tỷ đồng, ngân hàng còn xét tiếp 36 nghìn doanh nghiệp và hỗ trợ với tổng dư nợ 96 nghìn tỷ đồng, bắt đầu từ khi Chính phủ banh hành Chỉ thị 11. Như vậy ngành ngân hàng đã đáp ứng tương đối nhanh. Doanh nghiệp và ngân hàng cần phối hợp ở nhiều khía cạnh để làm sao việc hỗ trợ này đúng và trúng.
Khi doanh nghiệp đưa ra những khó khăn của mình, phải đúng và minh bạch thông tin để các ngân hàng trực tiếp cho vay nhìn thấy. Còn những doanh nghiệp nào có ý định ỷ lại, trục lợi và thụ động thì không nên.
Đồng quan điểm, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho rằng, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền tảng, điều kiện, tích lũy chưa có nhiều. Trong mùa dịch mà không có kế hoạch phát triển sau dịch thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ, không khéo lại ảnh hưởng đến ngân hàng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay.
Từ góc độ cơ quan điều hành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, bởi hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế.