Ngân hàng có dễ tăng vốn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Bên cạnh cách thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều nhà băng cũng kỳ vọng sẽ hút vốn từ chào bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược. Các kế hoạch này có thể hoàn thành trong năm nay nhưng không hẳn dễ dàng.
Một số ngân hàng kỳ vọng hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Minh Dũng
Một số ngân hàng kỳ vọng hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Minh Dũng

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã trình cổ đông thông qua 2 phương án chia cổ tức năm 2020 gắn với phương án tăng vốn. Ở cả 2 phương án, tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt đều là 5%, nhưng phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu có sự khác biệt, tùy vào tiến trình tăng vốn.

Phương án 1 là tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank chưa hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt của năm 2019. Vốn điều lệ khi thực hiện chia cổ tức là 37.243 tỷ đồng. Khi đó, VietinBank sẽ chia cổ tức tiền mặt 5% vốn điều lệ (1.861,7 tỷ đồng) và chia cổ tức 17,7% bằng cổ phiếu (6.618 tỷ đồng).

Phương án 2 là tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank đã hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích các quỹ năm 2017 - 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019. Vốn điều lệ khi đó là hơn 48.000 tỷ đồng. Trong trường hợp này, VietinBank trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt 5% (2.402 tỷ đồng) và cổ tức bằng cổ phiếu là 12,6% vốn điều lệ (6.077 tỷ đồng).

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố tài liệu trình cổ đông việc tăng vốn điều lệ thêm 10.688 tỷ đồng trong năm 2021, lên 38.675 tỷ đồng. Trong đó, tăng vốn điều lệ thêm hơn 9.795 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức với tỷ lệ 35% trên tổng số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế năm 2020. Đồng thời, tăng vốn điều lệ thêm dự kiến tối đa 700 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ mới (dự kiến 70 triệu cổ phiếu phổ thông) cho các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ có khả năng và sẵn sàng hợp tác nhằm tạo hệ sinh thái số mang lại lợi ích lâu dài cho MB.

Một số ngân hàng nêu rõ kỳ vọng hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó, Ngân hàng sẽ chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ quy định. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết kế hoạch sẽ bán tiếp 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho Aozora Bank năm 2020. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết chuẩn bị bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để bán một phần vốn, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính sau khi hoàn tất tái cơ cấu và tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tăng vốn là đòi hỏi thiết thực của các ngân hàng trong năm 2021 do phải đối mặt với áp lực từ việc bảo đảm các chỉ tiêu tài chính theo tiêu chuẩn Basel II và cần nguồn lực tài chính lớn để phát triển dịch vụ, mạng lưới trong giai đoạn cạnh tranh hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, các hình thức tăng vốn nêu trên có thể thuận lợi nhờ đà tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, lợi nhuận công bố của các nhà băng ở mức rất cao trong năm 2020.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong các phương thức tăng vốn nêu trên, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là khả thi nhất. Trong khi đó, phương thức tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu phổ thông không hẳn là thuận lợi.

Bởi lẽ, theo ông Hiếu, trong quý đầu năm nay, với mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến của các ngân hàng, giá cổ phiếu ngành này đã tăng quá mạnh lên đến mức không còn rẻ. Đáng chú ý, đóng góp đáng kể cho mức lãi lớn của ngành này là việc chưa chuyển nhóm nợ dẫn đến hoài nghi về tình trạng “lãi ảo” và nợ xấu “chìm”. Do đó, sự hưng phấn với cổ phiếu ngân hàng có lẽ sẽ không còn kéo dài.

Từ khía cạnh khác, các nhà đầu tư nước ngoài không hẳn sẵn sàng xuống tiền với cổ phiếu ngân hàng ở thị trường Việt Nam, bởi gói kích thích kinh tế của các nước trên thế giới cũng khiến thị trường chứng khoán nhiều nước rất hấp dẫn, chỉ số chứng khoán của nhiều thị trường tiếp tục đà tăng trong những ngày gần đây. “Phân tích các cách huy động vốn như vậy cho thấy triển vọng tăng vốn của các ngân hàng là có thể thực hiện được nhưng không hẳn dễ dàng trong năm nay”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục