Ghi nhận trên thị trường, trong tuần đầu tiên của tháng 8 (2-6/8), Ngân hàng Nhà nước không phát sinh giao dịch mới qua kênh thị trường mở. Trong khi các hợp đồng kỳ hạn mua ngoại tệ từ đầu năm tiếp tục được thực hiện giúp nguồn cung tiền VND được cải thiện.
Cụ thể, tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 75% lượng hợp đồng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đã đáo hạn và khối lượng còn lại sẽ được thực hiện hoàn toàn trong tháng 8.
Trước đó, theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, hồi đầu năm, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng về Ngân hàng Nhà nước, giá bán 23.125 VND/USD.
Như vậy, với việc hoàn thành gần 75% lượng hợp đồng mua ngoại tệ kể trên, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bơm khoảng 118.000 tỷ đồng ra thị trường qua kênh này. Đồng thời, khoảng gần 40.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục chảy ra trong khoảng thời gian còn lại của tháng 8.
Nhờ khoản tiền bổ sung lớn, thanh khoản hệ thống duy trì trạng thái dồi dào. Thể hiện rõ nhất là các mức lãi suất liên ngân hàng đi ngang ở mặt bằng thấp trong tuần trước.
Thậm chí, xu hướng này còn kéo dài tới phiên giao dịch hôm qua (9/8) khi lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 – 0,04 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống, ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 2 tuần. Các mức lãi suất giao dịch tại: qua đêm 0,95%; 1 tuần 1,10%; 2 tuần 1,23% và 1 tháng 1,39%.
Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu tại SSI, bất chấp việc lãi suất huy động ghi nhận xu hướng tăng cục bộ ở một số ngân hàng, với mức tăng giao động từ 0,15 – 0,3 điểm phần trăm, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mức thấp. Trong đó, lãi suất hiện phổ biến ở 3-4%/năm với kỳ hạn 6 tháng; 3,7-5%/năm ở kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 4,2-6,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Tại một diễn biến liên quan, thị trường sắp tới cũng có thể đón nhận thêm một lượng tiền mới thông qua kênh mua lại trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước.
Đây là kênh “bơm tiền” mới của Bộ Tài chính đã được chuẩn bị và xây dựng cơ chế từ cuối năm 2020 nhưng đến thời điểm hiện tại mới được triển khai, qua việc dùng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ. Qua phương thức này, các tổ chức tín dụng trên thị trường khi cần nguồn tiền cân đối hoạt động có thể bán lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ cho Kho bạc Nhà nước.
Hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Kho bạc Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thầu đầu tiên. Giá trị trúng thầu đạt 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, riêng trong quý 3/2021, tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ là 54.760 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, cơ quan này có thể điều chỉnh khối lượng mua lại các kỳ hạn cho phù hợp với khả năng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi và tình hình thị trường.
Quay lại với các phiên giao dịch đầu tuần tháng 8, thanh khoản thị trường dồi dào cũng khiến lãi suất trái phiếu chính phủ giảm trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Trong đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gọi thầu 4.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu với lãi suất ở 2,47%/năm, không thay đổi so với lần liền trước. Ngược lại, kỳ hạn 15 năm tiếp tục có một phiên đấu giá không thành công mặc dù lãi suất đăng ký thấp nhất đã điều chỉnh giảm 0,06 điểm phần trăm.
Tương tự, Kho bạc Nhà nước cũng gọi thầu 8.500 tỷ đồng trái phiếu tuần vừa qua. Tỷ lệ trúng thầu đạt 86% và lãi suất trúng thầu giảm 0,03-0,1 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn.
Diễn biến lợi tức trái phiếu chính phủ thứ cấp cũng giảm 0,02 – 0,17 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,32% giảm 0,02 điểm phần trăm); 3 năm (0,80%; giảm 0,06 điểm phần trăm); 5 năm (0,99%, giảm 0,06 điểm phần trăm); 10 năm (2,09%, giảm 0,10 điểm phần trăm); 15Y (2,29%; giảm 0,17 điểm phần trăm); 20 năm (2,85%, giảm 0,10 điểm phần trăm); 30 năm (3,01% giảm 0,06 điểm phần trăm).