Theo Trung tâm Nghiên cứu của BIDV, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục bơm VND ra thị trường qua kênh ngoại hối với lượng bơm đạt hơn 72.000 tỷ trong tháng 4 và tháng 5/2016 (tính đến ngày 20/05/2016). |
Đây là quy mô được Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 vừa công bố.
Báo cáo này cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục bơm VND ra thị trường qua kênh ngoại hối với lượng bơm đạt hơn 72.000 tỷ trong tháng 4 và tháng 5/2016 (tính đến ngày 20/05/2016).
Và tính chung từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.
Hoạt động bơm VND trên gắn với thông tin từ bản báo cáo trên về trạng thái thanh khoản khá dư thừa của hệ thống, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cung nguồn khiến lãi suất giảm sâu trên thị trường liên ngân hàng.
Mặt khác, theo cập nhật của trung tâm nghiên cứu này, lãi suất trên liên ngân hàng giảm sâu còn do tăng trưởng tín dụng VND chưa có nhiều đột biến trong khi huy động vốn VND (5,3%) tăng nhanh hơn tín dụng VND (4,3%).
Cũng theo báo cáo trên, tính đến 27/4/2016, tín dụng của toàn hệ thống đạt hơn 4,83 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 3,57% so với cuối năm 2015 (tăng trưởng tín dụng cùng kỳ đạt mức gần 4%). Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống có mức tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng và đạt 4,5% (huy động vốn tính đến ngày 30/3/2016 đạt hơn 5,39 triệu tỷ đồng).
Đáng chú ý, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của BIDV dự báo, tín dụng trong quý 3/2016 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan với mức tăng xấp xỉ 10-11%. Lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu Chính phủ và diễn biến của lạm phát.
Cùng đó là dự báo lãi suất VND liên ngân hàng tháng 6/2016 sẽ có xu hướng tăng trở lại do Ngân hàng Nhà nước đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối.
“Về dài hạn, áp lực tăng lãi suất sẽ tăng dần khi tín dụng chịu áp lực tăng trưởng 18-20% trong năm 2016, trong khi 4 tháng đầu năm chỉ tiêu này mới tăng tổng cộng gần 4%”, báo cáo đưa ra dự báo.
Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu đang đặt ra đối với Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.