Không dễ thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Ngân hàng khát vốn
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận, miễn nhiệm và bầu bổ sung các thành viên HĐQT… thì vấn đề tăng vốn điều lệ được rất nhiều ngân hàng đưa vào tờ trình ĐHĐCĐ.
Theo tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ngân hàng này dự định tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng thông qua chào bán CP cho cổ đông hiện hữu. Nếu phương án này được thông qua thì vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ 8.878 tỷ đồng lên 13.878 tỷ đồng. Thời điểm chào bán dự kiến trong quý II hoặc quý III/2017.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10% và trích 100 tỷ đồng mua cổ phiếu thưởng cho cán bộ, công nhân viên. Với 985,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức sẽ tăng từ 10.273 tỷ đồng lên 11.259 tỷ đồng.
Trong khi đó phương án tăng vốn thêm 1.040 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã được thông qua trong ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 25/3/2017. Trước đó, trong tờ trình về phương án tăng vốn, ngân hàng này chỉ dự kiến tăng thêm 540 tỷ đồng thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu mới.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 10.765 tỷ đồng theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên của VPBank thông qua. Số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được VPBank sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định theo quy định của pháp luật.
Hàng loạt ngân hàng khác như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Quân đội (MBBank) cũng đưa phương án tăng vốn điều lệ vào chương trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.
Liệu tăng vốn có thành công?
Để bảo đảm yếu tố này, việc tăng vốn cấp 1 là rất cần thiết do tăng vốn cấp 2 bằng phát hành trái phiếu chỉ giải quyết được vấn đề vốn trong ngắn hạn, đồng thời có chi phí cao hơn 1 - 2% lãi suất huy động thông thường.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại là điều cần thiết và khả thi nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, việc thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, mua cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn là điều không dễ dàng. Cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam khó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, vì theo quy đinh của Nhà nước, một nhà đầu tư nước ngoài không được phép sở hữu quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng trong nước, tổng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài là không quá 30%. Trong khi đó, lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam không thực sự hấp dẫn do rất ít ngân hàng trong nước phổ biến trên thế giới. Thêm một trở ngại nữa là điểm tín dụng của các ngân hàng Việt Nam do các tổ chức xếp hạng tín dụng Moody, Standard & Poor's ở mức thấp, nên không thực sự hấp dẫn đầu tư.
Ông Cấn Văn Lực, Phó TGĐ, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, các ngân hàng thương mại đang thiếu vốn do chưa tăng vốn được và cũng chưa được tăng vốn trong mấy năm gần đây. Tổng tài sản của các ngân hàng dự kiến chung tăng tới 18%/năm, do vậy các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn để bảo đảm hệ số an toàn vốn. Hiện nay hệ số này được quy định là 9%.
Ông Lực cho biết, khả năng tăng vốn thành công phụ thuộc vào 3 yếu tố: thị trường chứng khoán, khả năng tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, và phương án tăng vốn.