Các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn khi huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu bởi thị giá cổ phiếu vẫn còn thấp |
Tuy nhiên, không ít nhà băng sẽ “gặp khó” với việc huy động vốn mới, khi thị giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp. Vì thế, một số ngân hàng mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn điều lệ, song nếu kết quả phát hành không thành công, sẽ khó tránh khỏi bị sáp nhập, hợp nhất, nhất là những ngân hàng có cùng chủ sở hữu và ngân hàng nhỏ, yếu kém về năng lực tài chính, cũng như nợ xấu tăng.
Nỗ lực nâng cao tiềm lực vốn…
Saigonbank là một trong những trường hợp điển hình, ngày 18/3/2016 đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ ngày 26/9/2015 thông qua. NHNN yêu cầu các cổ đông khi tham gia mua cổ phần của Saigonbank phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp việc phát hành cổ phần dẫn đến việc một cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ trở lên, Saigonbank phải trình NHNN xem xét và chấp thuận theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, kế hoạch tăng vốn của Saigonbank đã thất bại. Mặc dù đã được NHNN chấp thuận tăng vốn, song thị trường còn khó khăn, nên nhà đầu tư chưa mặn mà với việc rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng, nhất là nhà băng quy mô nhỏ như Saigonbank. Trong khi đó, theo lộ trình Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các cổ đông lớn là Vietcombank (nắm trên 4% vốn) và Vietinbank (8%) sẽ phải thoái vốn khỏi Saigonbank.
Tại OCB, NHNN cũng đã chấp thuận việc Ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 3.547 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ 2015 thông qua. Theo đó, OCB sẽ phát hành riêng lẻ cổ phần cho đối tác chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu trị giá 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực tài chính, HĐQT OCB đã trình ĐHCĐ 2016 diễn ra mới đây thông qua việc tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2016, VietA Bank sẽ tăng tiếp vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015. Hiện VietA Bank chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.
Theo quy định tại Thông tư 180, tất cả các doanh nghiệp đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên Sở GDCK, sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM trong vòng 1 năm kể từ ngày 1/1/2016.
Vì vậy, ngoài việc tăng vốn, HĐQT VietABank đã trình cổ đông thông qua và ủy quyền cho HĐQT quyết định việc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM hoặc niêm yết trên Sở GDCK tùy theo tình hình thực tế của Ngân hàng và thị trường.
Tuy nhiên, để có thêm điều kiện nâng cao năng lực tài chính, về việc chia cổ tức, VietABank cho biết sẽ thực hiện phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức sau khi được NHNN chấp thuận với tỷ lệ chia cổ tức của năm 2015 là 7,5%. Sau đợt phát hành này, Ngân hàng sẽ tăng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 3.762 tỷ đồng. Trong đợt tăng vốn trước đó, VietABank đã thu về hơn 400 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu để bổ sung vào nguồn vốn, đưa vốn điều lệ lên xấp xỉ 3.500 tỷ đồng. Năm 2015, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng, nhưng không đạt được.
Sau khi hoàn tất tăng vốn lên 4.511 tỷ đồng, BacA Bank có kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay và kế hoạch này cũng đã được NHNN chấp thuận.
… nhưng có dễ thực hiện?
Chủ trương của NHNN là tiếp tục đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, nhằm lành mạnh hệ thống. Đồng thời, các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính mới có thể cạnh tranh trên thị trường, nếu không sẽ phải thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc bán lại (M&A).
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Mở TP. HCM, các ngân hàng không dễ tăng vốn trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ bởi nhiều cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp hơn mệnh giá, mà áp lực thoái vốn của các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước cũng đang đè nặng lên các nhà băng nhỏ.
Cụ thể, tại Saigonbank, trong khi nhà băng này đang nỗ lực tăng vốn điều lệ, thì 2 cổ đông lớn là Vietcombank và Vietinbank đang tính đường thoái vốn để đáp ứng theo quy định của Thông tư 36. Năm 2015, Saigonbank từng có ý định sáp nhập vào Vietcombank do khó có thể thực hiện được kế hoạch tăng vốn nêu trên, nhưng kết quả bất thành.
Trong khi kế hoạch tăng vốn của Saigonbank còn chưa biết có thực thi được trong năm nay hay không, thì kết quả kinh doanh 2015 của nhà băng này không mấy khả quan. Cụ thể, Saigonbank lỗ hơn 100 tỷ đồng trong qúy IV/2015 và lãnh đạo của Saigonbank thừa nhận do những khó khăn khách quan của kinh tế trong nước, Ngân hàng đã không hoàn thành các chỉ tiêu về huy động, cho vay... do ĐHCĐ năm 2015 giao phó. Kết thúc năm 2015, Saigonbank đạt 55 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Kế hoạch năm 2016, Saigonbank dự kiến thu về 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tổng tài sản đạt 20.900 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước; vốn huy động 16.500 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước; dư nợ cho vay 12.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015; tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3-5) kiểm soát dưới 3% tổng dư nợ. Về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại ngân hàng giai đoạn 2013-2015, Saigonbank cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Saigonbank được phân loại thuộc nhóm các tổ chức tín dụng lành mạnh và được tự thực hiện cơ cấu lại. Đến cuối năm 2015, Saigonbank đã hoàn thành cơ bản các nội dung cơ cấu lại theo phương án đã được NHNN phê duyệt.
Ngoài VietA bank và Saigonbank, hiện thị trường có ít nhất 4 ngân hàng thương mại vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng (Kienlongbank, Viet Capital Bank, Nam A Bank, VietBank). Tuy nhiên, trong số này, chưa có nhà băng nào đề cập đến chuyện M&A với nhà băng khác. Chủ trương của NHNN đưa ra, trong năm 2016, các ngân hàng thương mại phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các ngân hàng thương mại quy mô vốn còn thấp. Bởi theo thông lệ quốc tế, các ngân hàng thương mại nhỏ buộc phải tăng cường năng lực tài chính mới có thể đáp ứng và tạo được sức mạnh cho mình trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày một khó khăn hơn.
Cũng vì thế, ngay cả các nhà băng lớn cũng phải chạy đua tăng vốn, song chủ yếu thông qua việc chia cổ tức. ACB chia cổ tức năm 2015 trên 10% bằng cổ phiếu để nâng vốn điều lệ; VPBank chi trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 13,07%, cùng với việc chia cổ phiếu thưởng là 5,69%. Trong khi đó, với các nhà băng nhỏ, việc phát hành cổ phiếu huy động vốn gặp khó khăn bởi giá cổ phiếu thấp, nên nhà đầu tư ít quan tâm.
Vấn đề sở hữu chéo cũng sẽ được NHNN đẩy mạnh xử lý rốt ráo hơn trong thời gian tới, cùng với đó là lộ trình thoái vốn của các ngân hàng theo quy định tại Thông tư 36. Hiện tại, lộ trình thoái vốn này đã kết thúc từ ngày 1/2/2016, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều nhà băng chưa thể thoái vốn và NHNN cũng chưa gia hạn.