Ngân sách nhà nước eo hẹp, huy động vốn từ đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu đầu tư lớn trong khi nguồn lực cho đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước (NSNN) ngày càng hạn hẹp. Để giải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn có thể tính đến việc tiếp tục khai thác nguồn thu từ đất, song về trung và dài hạn, xã hội hóa đầu tư vẫn là giải pháp căn cơ.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bằng ngân sách TP.HCM được thông qua với mức 142.557 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn dự kiến là 672.862 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bằng ngân sách TP.HCM được thông qua với mức 142.557 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn dự kiến là 672.862 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 với dự kiến tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố là trên 304.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Thành phố dự kiến cần khoảng 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công trong giai đoạn này.

Tại TP.HCM, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bằng ngân sách TP.HCM được Quốc hội thông qua với mức vốn 142.557 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn này của TP.HCM dự kiến là 672.862 tỷ đồng.

Nguồn lực từ NSNN cho đầu tư phát triển ở các địa phương hiện rất hạn hẹp. Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giữa tháng 9 vừa qua, TP.HCM cho biết, dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và một trong những giải pháp được Thành phố đề xuất là phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Cụ thể, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Đa dạng hóa nguồn tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng thông qua phương thức đối tác công - tư (PPP).

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dư địa về nguồn lực từ NSNN để chi cho đầu tư phát triển là rất hạn hẹp, hiện vẫn có ý kiến muốn trông cậy vào tài nguyên khoáng sản nói chung, trong đó đất đai là chủ yếu. Tuy nhiên, đó lại là những tài sản không tái tạo nên chỉ sử dụng đến trong trường hợp cấp bách, rất ngắn hạn.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong giai đoạn ngắn hạn, có thể tiếp tục khai thác nguồn thu từ đất để có nguồn chi cho đầu tư phát triển, song cách thức này không bền vì quỹ đất có hạn và cần củng cố cơ chế thực hiện. Đó là, cơ chế thẩm định giá, cơ chế chịu trách nhiệm để vừa tránh thất thoát tài sản công, vừa không gây lo ngại sai sót trong thực thi. Về trung và dài hạn, thúc đẩy vai trò tư nhân qua việc phát hành trái phiếu hoặc các hợp đồng hợp tác công - tư trong các dự án phát triển hạ tầng là giải pháp đã thực hiện nhiều năm qua và cần khắc phục những hạn chế để tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) chỉ ra, cách thức huy động nguồn lực từ tư nhân đã được áp dụng ở nhiều dự án hạ tầng, ở một số địa phương và cũng là hình thức được nhiều nước áp dụng.

Ông Minh nêu ví dụ về sự thành công trong cách thức huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng của tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư PPP tại Quảng Ninh đạt 47.000 tỷ đồng với 44 dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật, dân dụng, văn hóa... Trong đó, vốn nhà nước tham gia trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 345.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

“Nhìn từ Quảng Ninh, có thể thấy sự bứt phá trong thu hút đầu tư để nhanh chóng phát triển đồng bộ hạ tầng. Với nguồn lực NSNN có hạn, việc tận dụng đầu tư tư nhân theo hình thức này là phù hợp và bền vững”, ông Minh nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Thanh Vân, đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa, nhà nước và tư nhân cùng làm theo các hình thức hợp tác đầu tư hoặc phát hành trái phiếu là cách thức hợp lý với các nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tạo được niềm tin để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn cùng thực hiện. Điều này được thể hiện trước hết ở việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên hợp đồng thực hiện dự án. Đó là, rất cần hạn chế những thay đổi về chính sách, trong trường hợp có thay đổi thì rủi ro trong quá trình thực hiện cần được sẻ chia và có trách nhiệm giữa các bên. Bên cạnh đó, cần đảm bảo giá trị tài sản của nhà đầu tư không bị tổn thất lớn theo thời gian.

“Thực hiện tốt hai nội dung đó có thể thu hút nguồn lực đầu tư của cả doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt là nguồn vốn rất lớn trong dân. Nếu làm được, tôi tin là sẽ có làn sóng đầu tư trong nước cho các dự án hạ tầng, chưa kể đầu tư nước ngoài”, ông Vân nói.

Tin cùng chuyên mục