Nghĩa vụ trả nợ ngày càng trở thành gánh nặng cho ngân sách. |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm là 425.600 tỷ đồng, chỉ đạt 42% so với dự toán. Trong đó thu nội địa 342.800 tỷ đồng, thu từ dầu thô 17.700 tỷ, thu cân đối ngân sách hoạt động xuất, nhập khẩu từ 63 tỉnh thành là 63.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến nay khoảng 508.500 tỷ đồng, bằng 39,9% dự toán. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển chỉ 74.500 tỷ đồng, bằng 29,2% so với dự toán. Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể khoảng 363.400 tỷ đồng. Chi khoảng 68.000 tỷ đồng trả nợ và viện trợ.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016. Theo đó, cơ quan điều hành dự kiến dành 273.300 tỷ đồng (tương đương hơn 12 tỷ USD) để trả nợ năm nay, gồm: trả trực tiếp đã bố trí trong dự toán ngân sách năm (154.000 tỷ đồng), trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại (24.000 tỷ), đảo nợ (95.000 tỷ).
Chính phủ có kế hoạch vay 452.000 tỷ đồng, tương đương hơn 20 tỷ USD. Trong đó, khoản vay để bù đắp bội chi là 254.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60.000 tỷ; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43.000 tỷ…
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong cân đối ngân sách Nhà nước, nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chi thường xuyên tiếp tục tăng cao từ 50% lên mức 65% tổng chi. Chi đầu tư phát triển bị giảm từ 30% tổng chi, xuống còn 17%. Với khả năng thu hiện nay, tổng thu ngân sách sẽ không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Do đó, toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào vốn vay của Chính phủ.
Dự báo của Ngân hàng Thế giới đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%. Trong khi đó, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn cho phép (50% GDP).