Ngành rượu - bia còn khó, có nên sửa cách tính thuế?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính vừa có Dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó, nội dung tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và sửa đổi phương pháp tính thuế dự kiến sẽ có tác động mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được áp dụng với bia là 65%. Ảnh: Nhã Chi
Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được áp dụng với bia là 65%. Ảnh: Nhã Chi

Theo định hướng tại Dự thảo Tờ trình, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ bổ sung quy định về cơ sở tính thuế đối với phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp. Cụ thể, có 3 giải pháp chính sách thuế với mặt hàng rượu, bia được Bộ Tài chính nghiên cứu. Trong đó, giải pháp 1 là giữ như quy định hiện hành. Giải pháp 2 là tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10%, theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát. Giải pháp 3 là áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp đối với bia (thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối), trong đó, tăng thuế suất đối với bia để tăng giá bán ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO và bổ sung áp thuế tuyệt đối đối với bia.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho hay, thuế TTĐB đang được áp dụng với rượu từ 35% đến 65% (tùy loại), bia là 65%. Thời gian qua, thuế TTĐB đã được điều chỉnh tăng cùng với việc Chính phủ tăng cường các biện pháp hạn chế rượu, bia như Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông, trong đó có quy định về xử phạt lái xe mà trong máu và hơi thở có cồn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người theo số liệu của năm 2021. Do đó, việc đề xuất theo hướng tăng thuế đối với rượu, bia như Dự thảo Tờ trình có thể là phù hợp, nhưng cần tính đến lộ trình và thời điểm tăng thuế suất phù hợp, nhất là hiện nay lĩnh vực này đang rất khó khăn.

Ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu đang rất khó khăn do chịu nhiều tác động nặng nề từ dịch Covid-19 và kinh tế tăng trưởng chậm, chi phí đầu vào tăng cao. Số liệu thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, sản lượng bia được sản xuất giảm 15%, riêng trong tháng 6 giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Về cách tính thuế, ông Bennett Neo cho rằng, với phương pháp tính thuế tương đối, giá sản phẩm cao thì thuế cao và ngược lại, đem lại hiệu quả cao từ việc thu thuế. Trong khi đó, với phương pháp tính thuế hỗn hợp, sản phẩm có giá bán thấp hơn sẽ có mức tăng thuế cao hơn so với sản phẩm có giá bán cao. Hay nói cách khác, các sản phẩm bia bình dân, thương hiệu nội và địa phương sẽ chịu mức tăng thuế cao hơn, từ đó làm giảm sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu cao cấp và các loại bia, rượu thủ công. Do đó, Việt Nam nên duy trì cách tính thuế tương đối như hiện tại và có lộ trình chuyển đổi sang cách tính thuế hỗn hợp để doanh nghiệp trong nước phục hồi, tăng sức cạnh tranh.

Bà Thiều Hồng Nhung, Giám đốc tài chính cấp cao của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam cho rằng, cần cân nhắc thời điểm sửa đổi chính sách thuế đối với rượu, bia, ít nhất 2 - 3 năm tới hãy bàn đến. Về phương pháp tính thuế, nếu áp dụng phương pháp hỗn hợp thì giá bia cao cấp và giá bia phổ thông càng gần nhau hơn. Mặt khác, khi giá bia phổ thông tăng thì người dân có thu nhập trung bình sẽ có xu hướng chuyển sang dùng các sản phẩm không nhãn mác và chưa bảo đảm về chất lượng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), chưa nên sửa đổi Luật Thuế TTĐB, ít nhất trong thời gian 2023 - 2025, ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.

“Việc cải cách chính sách thuế theo Quyết định 508/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, bao gồm nội dung nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối, cần có nghiên cứu, tính toán khoa học, thực tiễn ở Việt Nam, bảo đảm phù hợp với thực trạng điều kiện sản xuất, kinh doanh ngành hàng ở Việt Nam; minh bạch, có lộ trình rõ ràng, đơn giản, có tính khả thi; hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Việt nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, về dài hạn, Việt Nam nên dần theo thông lệ quốc tế, chuyển từ thuế tương đối sang thuế hỗn hợp, sau đó chuyển sang thuế tuyệt đối, song cần cân nhắc thời điểm thay đổi thuế suất và phương pháp tính thuế khi thị trường còn nhiều khó khăn.

Ông Thành kiến nghị giữ nguyên phương pháp tính thuế TTĐB tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với bia, rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế TTĐB tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5 - 10%. Nghiên cứu kỹ và sâu cung - cầu, thị trường bia rượu cùng điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là quá trình thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045, các kịch bản khác nhau áp dụng phương pháp tính thuế tương đối, hỗn hợp, tuyệt đối. Trên cơ sở đó và tính đến kinh nghiệm quốc tế, cân nhắc khoảng năm 2030 có thể áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp với bia, rượu.

Tin cùng chuyên mục