Đây là khẳng định của một chuyên gia đấu thầu với phóng viên Báo Đấu thầu khi bàn về ý nghĩa của việc Chính phủ vừa ban hành 2 Nghị quyết (số 78/NQ-CP và số 79/NQ-CP) liên quan đến công tác mua sắm hàng hóa phòng, chống Covid-19.
Theo đó, các nghị quyết này được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố niềm tin, giải tỏa tâm lý lo lắng và sợ sai, giúp các cơ sở y tế, địa phương, đơn vị mua sắm có thể yên tâm thực hiện mua sắm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo Điều 22 và 26 của Luật Đấu thầu.
Thời gian qua, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy có tâm lý chần chừ, e ngại của các tổ chức, cá nhân được giao triển khai mua sắm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, dẫn tới tình trạng thiếu, không đáp ứng kịp thời yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch trên địa bàn.
Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định, hình thức chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong trường hợp gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách. Mặt khác, Điều 26 của Luật Đấu thầu 2013 còn quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Cụ thể, trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định trong Luật Đấu thầu thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu theo trường hợp đặc biệt.
Mặc dù đã có quy định như vậy, nhưng một số địa phương, nhất là những địa phương chưa có ca bệnh nào được công bố, không dám quyết định lựa chọn nhà thầu theo 2 hình thức này, bởi chưa có căn cứ pháp lý nào hướng dẫn cụ thể để xác định rõ đâu là trường hợp cấp bách, đâu là trường hợp đặc biệt.
Trên thực tế, tại Quyết định số 447/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 trên toàn quốc (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra) xảy ra từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch, đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện kể từ ngày 28/1/2020. Các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh với số ca nhiễm tăng nhanh, nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, trong suốt 1 tuần qua, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19 để ra Nghị quyết số 78/NQ-CP. Trong đó, Nghị quyết số 78/NQ-CP dành riêng một điều về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
“Yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, do đó được áp dụng quy định về mua sắm tại Điều 22 và Điều 26 Luật Đấu thầu”, Nghị quyết số 78/NQ-CP nhấn mạnh.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành Danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng chống dịch; hoàn thiện cơ chế, dự toán kinh phí mua sắm; và dự thảo trình Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về cơ chế mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Sau đó 2 ngày, Nghị quyết số 79/NQ-CP được ban hành.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu triển khai ngay gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng, chống dịch Covid-19. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động mua sắm phục vụ phòng chống dịch theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch.
Nghị quyết số 79/NQ-CP nêu rõ, đây là trường hợp cấp bách nên được phép chỉ định thầu theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu. Chính phủ đồng ý để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch được mua trực tiếp từ nhà sản xuất, cung ứng ở nước ngoài, mua qua các đơn vị mua sắm của Liên hợp quốc và một số mặt hàng đặc thù sản xuất trong nước trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Để xây dựng giá gói thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19, cần căn cứ Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC. Riêng đối với xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thực hiện theo Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC hoặc Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT. Trường hợp đấu thầu rộng rãi qua mạng, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày.
Tại các nghị quyết trên, Chính phủ còn giao Bộ Y tế chuẩn bị các kịch bản ứng phó cao hơn theo từng cấp độ dịch bệnh để không bị động, lúng túng; rà soát nhu cầu và xác định số lượng, chủng loại một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện cần mua ngay tại Trung ương để phòng chống dịch tại một số vùng, khu vực bị ảnh hưởng nặng của dịch và hỗ trợ cho một số địa phương, đơn vị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; tuyệt đối không để thiếu bệnh viện, trang thiết bị y tế, nhất là oxy, máy thở.
Ngay sau khi có chủ trương rõ ràng của Chính phủ tại Nghị quyết số 79, ngày 23/7/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương đầu tiên hỏa tốc gửi văn bản cho Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ danh mục trang thiết bị y tế phục vụ điều trị dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tỉnh. Cụ thể, UBND Tỉnh nêu rõ địa phương cần 14 máy thở chức năng cao, 14 bơm tiêm điện, 5 máy theo dõi bệnh nhân >=5 thông số, 2 máy siêu âm tại giường, 2 máy X quang di động, 2 máy lọc máu liên tục.
Để không rơi vào tình huống bị động, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Bình Dương cũng cho biết, Tỉnh đang dự kiến đầu tư 60 máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân từ nguồn hỗ trợ vận động và từ ngân sách Tỉnh và giao cho Bệnh viện Đa khoa Tỉnh khẩn trương lập danh mục máy thở cần đầu tư. Mặt khác, UBND Tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Y tế và kêu gọi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chi viện, hỗ trợ thêm…
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)