Dự kiến nguồn tiền thưởng dành cho các gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 5% giá trị dự toán gói thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Phóng viên Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Trương - Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về các nội dung mà nhà thầu quan tâm.
Dự thảo Nghị định quy định, nguồn tiền thưởng hợp đồng được lấy từ số tiền dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu) và chi phí tiết kiệm trong quá trình thực hiện gói thầu. Ông có thể chia sẻ rõ hơn nguồn tiền này?
Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, dự án giao thông quan trọng được áp dụng cơ chế chỉ định thầu, yêu cầu tiết giảm 5% giá trị dự toán gói thầu. Khoản tiền tiết giảm này sẽ được sử dụng làm phần thưởng động viên những nhà thầu rút ngắn tiến độ. Quan điểm của những người soạn thảo Nghị định là sau đấu thầu, chỉ định thầu, tiết kiệm được bao nhiêu thì sẽ thưởng bấy nhiêu, tối đa cho đến khi hết nguồn.
Ông Nguyễn Đăng Trương |
Một số nhà thầu bày tỏ băn khoăn, liệu nguồn tiền thưởng có đảm bảo được 5% giá dự toán gói thầu hay sẽ “co” lại, thậm chí là không còn nguồn để thưởng do hợp đồng xây lắp áp dụng đơn giá điều chỉnh, quá trình thực hiện phát sinh tăng chi phí?
Nguồn tiền thưởng dành cho các gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được xác định là 5% giá trị dự toán gói thầu. Số tiền này sẽ được xác định ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, không phụ thuộc vào quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu. Một số nhà thầu đang hiểu nguồn tiền thưởng là số tiền tiết kiệm được sau quá trình thực hiện hợp đồng nên mới băn khoăn như vậy. Còn Dự thảo Nghị định quy định, nguồn tiền thưởng được xác lập ngay sau khi hoàn tất quá trình lựa chọn nhà thầu (chưa bước vào giai đoạn thực hiện hợp đồng). Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát sinh chi phí tăng so với giá ký hợp đồng thì sẽ sử dụng chi phí dự phòng của gói thầu, dự án để thanh toán cho nhà thầu, không ảnh hưởng đến nguồn tiền thưởng đã xác định trước đó, bởi đây là 2 nguồn tách bạch với nhau.
Trên thực tế, có nhiều công trình giải phóng mặt bằng chậm khiến tiến độ thi công của nhà thầu chậm so với kế hoạch. Vậy làm thế nào để đảm bảo khách quan, công bằng trong việc phê duyệt, chi trả thưởng cho nhà thầu?
Cấp có thẩm quyền khi phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu sẽ đồng thời phê duyệt việc có áp dụng cơ chế thưởng hợp đồng cho nhà thầu hay không. Còn việc trả thưởng, thanh toán tiền thưởng hợp đồng cho nhà thầu sẽ do chủ đầu tư thực hiện. Tổng thời gian thực hiện hợp đồng của nhà thầu sẽ được bóc tách để trừ thời gian chậm do giải phóng mặt bằng, trừ các yếu tố, nguyên nhân không phải xuất phát từ nhà thầu. Trường hợp trong việc trả thưởng, thanh toán tiền thưởng hợp đồng phát sinh tranh chấp hoặc không có sự thống nhất giữa nhà thầu và chủ đầu tư, đây là vấn đề dân sự, nếu không thỏa thuận được, nhà thầu hoàn toàn có thể đưa sự việc ra tòa án xem xét, giải quyết thỏa đáng, nhưng phải căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa hai bên.
Nhiều nhà thầu xây lắp đánh giá cơ chế thưởng hợp đồng được quy định tại Dự thảo Nghị định sẽ là động lực để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Theo ông, có nên nhân rộng việc thưởng hợp đồng đối với các loại hình gói thầu khác như dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa… và xây dựng khung pháp lý thưởng hợp đồng để có thể áp dụng rộng rãi?
Cơ chế thưởng hợp đồng là đối trọng với việc phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ để đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của nhà thầu. Lâu nay, cơ chế thưởng hợp đồng mặc dù đã được Luật Xây dựng quy định, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa được triển khai rộng rãi trong thực tế. Việc ban hành Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ là thời gian thí điểm thích hợp, cần thiết để có những tổng kết, sàng lọc thực tế. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng một khung pháp lý về thưởng hợp đồng một cách đa dạng hơn, bài bản hơn và áp dụng một cách rộng rãi hơn. Quan điểm cá nhân của tôi là việc thưởng hợp đồng cần đa dạng hóa nhiều hình thức, không chỉ có hình thức bằng tiền mặt mà có thể phong phú hơn với việc xếp hạng uy tín nhà thầu, trao các bằng khen, danh hiệu, được cộng điểm khi tham gia các công trình tiếp theo… thì sẽ hấp dẫn và tạo thêm động lực cho nhà thầu rút ngắn tiến độ thực hiện.