Ảnh chỉ mang tính minh họa: Huy Hùng |
Thông tin này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2019 giữa kỳ vừa diễn ra tại Hà Nội. Các nhà đầu tư kỳ vọng Luật PPP sẽ tháo gỡ được những khó khăn, ách tắc hiện nay tại các dự án PPP và khơi thông nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.
Mong sớm khơi thông vốn vào hạ tầng
Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Doanh nghiệp thế giới năm 2018, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng về hạ tầng đã được cải thiện, tăng từ vị trí thứ 93 năm 2008 lên vị trí thứ 75 năm 2018 trong số 140 nền kinh tế. Mặc dù vậy, mức tăng này là khá chậm so với nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam.
Báo cáo Triển vọng hạ tầng toàn cầu cho thấy, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu phát triển hạ tầng vào năm 2040. Trong khi đó, hàng nghìn tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài dành cho đầu tư dài hạn và ổn định trong lĩnh vực hạ tầng vẫn đang tìm điểm đến.
Để kết nối nguồn vốn đó với nhu cầu đầu tư hạ tầng của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút đầu tư tư nhân thông qua hình thức PPP.
Hiện nay tại Việt Nam, đầu tư tư nhân ước tính chỉ chiếm khoảng 12% tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, thực tế triển khai các dự án PPP thời gian qua cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Một trong những phàn nàn của Nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF là sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án PPP. Để rút ngắn thời gian đàm phán dự án PPP, Luật PPP cần quy định những nguyên tắc để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể đặt ra tiêu chí thẩm định, đánh giá nhà đầu tư theo đề xuất dự án đã được lập và trình.
Đặc biệt, Việt Nam cần thoát khỏi tư duy quản lý đầu tư tư nhân theo thủ tục đầu tư công. Luật PPP cần có một chương hoặc phần nêu các nguyên tắc tài trợ và sử dụng nguồn vốn nhà nước, nhưng điều đó không có nghĩa là các thủ tục theo Luật Đầu tư công được áp dụng cho các nhà đầu tư tư nhân.
Để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia dự án PPP, nhiều nhà đầu tư mong muốn Luật PPP cho phép nhà đầu tư và các đơn vị triển khai dự án được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và quyền khai thác các công trình dự án; sử dụng trọng tài khi xảy ra tranh chấp và được giải quyết tại tòa án nước ngoài. Luật PPP cũng cần làm rõ sự phân bổ rủi ro giữa Chính phủ và các bên tư nhân tham gia dự án PPP nhằm đảm bảo việc hoàn vốn hợp lý từ khoản đầu tư; điều chỉnh tỷ lệ vốn tư nhân bắt buộc theo hướng phù hợp hơn...
Theo ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, điều quan trọng không chỉ là Luật PPP cần được ban hành càng sớm càng tốt, mà còn là xây dựng mối quan hệ tin cậy, lâu dài và các quy tắc rõ ràng giữa Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp và các thị trường. Hạ tầng là một lĩnh vực đầu tư lâu dài, không chỉ cần một cơ chế ra quyết định minh bạch và nhanh chóng để khởi động dự án, mà cả những quy định rõ ràng đối với thay đổi bất ngờ từ phía Chính phủ hoặc đối tác tư nhân có thể dẫn tới những tổn hại nghiêm trọng.
Tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp
Giải đáp mối quan tâm của nhà đầu tư, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ nghiên cứu kỹ đề xuất áp dụng luật nước ngoài khi có tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan ký hợp đồng của Việt Nam, bởi vì hiện có nhiều quan điểm khác nhau. Luật mẫu của Ủy ban Pháp luật về thương mại quốc tế của Liên hợp quốc đưa ra hai phương án, một là áp dụng nội luật của quốc gia - nơi ban hành luật đó, hoặc để cho các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng...
Để khắc phục sự chậm trễ trong triển khai dự án PPP, ông Trương cho biết, Luật PPP sẽ phân cấp trách nhiệm rõ ràng trong từng khâu, từng bước của các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước có thể chủ động đẩy nhanh việc phê duyệt dự án.
Đối với đề xuất về cho phép thế chấp quyền sử dụng đất trong dự án PPP để vay vốn hay chuyển đổi ngoại tệ..., Bộ KH&ĐT cũng đã trao đổi với các cơ quan liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Tuy nhiên, đối với những dự án PPP đã được miễn thuế sử dụng đất thì khó có thể lấy quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn. Các quyết định chuyển đổi ngoại hối phải đảm bảo phù hợp với bối cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam...
“Đây là một đạo luật mới, khó, rất phức tạp, và kinh nghiệm của Việt Nam không có nhiều. Mỗi nước hiện nay áp dụng một cách khác nhau… Để lựa chọn được mô hình, pháp luật phù hợp và tốt nhất cho Việt Nam, dựa trên thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam, chúng tôi rất cần sự tham gia, chung tay của các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức quốc tế, đại sứ quán... đóng góp tích cực cho Việt Nam để đạo luật này đi vào thực tế và trở thành kênh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi.