Nhận diện hành vi hạn chế cạnh tranh biến tướng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục công bố chi tiết các hành vi hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu, nhiều biến tướng vẫn nảy sinh khiến các nhà thầu bức xúc, môi trường đấu thầu bị ảnh hưởng. Các chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) cần nghiêm túc cập nhật, chấp hành quy định để tránh làm khó nhà thầu.
Vẫn còn những gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng yêu cầu giấy phép bán hàng, giấy xác nhận của nhà sản xuất hỗ trợ bảo hành. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Vẫn còn những gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng yêu cầu giấy phép bán hàng, giấy xác nhận của nhà sản xuất hỗ trợ bảo hành. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu 07 Xây dựng và thiết bị có giá 6,681 tỷ đồng thuộc Dự án thành phần Đầu tư, nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất giống cà phê, hồ tiêu do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm CĐT ngay khi công bố báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) đã khiến nhà thầu bất bình vì loại nhà thầu do không cung cấp giấy phép hoạt động của đơn vị cung cấp vật liệu. Khi nhà thầu phản ứng về nội dung này, BMT vẫn bảo lưu quan điểm và cho rằng, căn cứ Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 10/1/2022 và Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 25/2/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành quy định quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, việc nhà thầu không chứng minh được đơn vị ký thỏa thuận với nhà thầu về khai thác đất đắp được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác là không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của hồ sơ mời thầu (HSMT). Điều đáng nói, đây là công trình xây dựng dân dụng đơn giản, khối lượng đất đắp rất ít, nhà thầu cho rằng đưa ra các tiêu chí trên là cố tình tạo rào cản cho sự cạnh tranh của cuộc thầu.

Trong khi đó, một gói thầu xây dựng đường nội thị tại tỉnh Gia Lai (có giá trị hơn 40 tỷ đồng) lại khiến nhà thầu bức xúc do yêu cầu những tài liệu liên quan đến thiết bị thi công nằm ngoài quy định hiện hành. Cụ thể, HSMT yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu: “máy lu bánh thép 8T; máy lu bánh lốp 16T; máy lu bánh lốp 25T; máy lu rung 25T; máy lu bánh thép chân cừu 25T; máy đào 0.8 m3; máy đào 1.6 m3; máy ủi 110 CV; máy san” phải có giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng, có giấy chứng nhận chất lượng/kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác sử dụng theo quy định còn hiệu lực lưu hành.

Nhà thầu cho biết, đối chiếu Danh mục các loại máy, thiết bị theo quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 thì các loại thiết bị theo yêu cầu của HSMT không nằm trong danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Việc HSMT yêu cầu các thiết bị thi công kể trên phải có giấy chứng nhận chất lượng/kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác sử dụng theo quy định còn hiệu lực lưu hành là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện vẫn còn nhiều BMT chưa tuân thủ nghiêm các quy định dẫn tới đưa vào HSMT những tiêu chí hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu. Có thể kể đến Gói thầu Mua sắm thiết bị công nghệ thông tin thuộc dự toán mua sắm cùng tên do Cục Hải quan tỉnh Long An làm BMT. Dù phạm vi mua sắm là máy vi tính xách tay - loại hàng hóa thông dụng, nhưng HSMT yêu cầu nhà thầu phải nộp kèm giấy phép bán hàng từ hãng, đại lý (bản sao chứng thực là đại lý); giấy xác nhận của nhà sản xuất hỗ trợ bảo hành, đảm bảo kỹ thuật và cam kết nguồn gốc của hàng hoá…

Theo các chuyên gia, việc tự ý đưa ra các “giấy phép con”, tài liệu không phù hợp hoặc căn cứ vào các quyết định mang tính hành chính để làm cơ sở loại nhà thầu ngày càng có dấu hiệu biến tướng tinh vi.

Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, trong tháng 12/2022, Trung tâm đã công bố chi tiết 25 hành vi hạn chế cạnh tranh đối với 4 lĩnh vực đấu thầu, bao gồm: dịch vụ phi tư vấn (3 hành vi); dịch vụ tư vấn (3 hành vi); mua sắm hàng hóa (7 hành vi) và xây lắp (12 hành vi). Trước đó, Phụ lục 09 của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT đã nêu 23 hành vi vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đối với tất cả các lĩnh vực đấu thầu hiện hành. Việc liên tục cập nhật các hành vi hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu thời gian qua cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu luôn bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện những hành vi hạn chế cạnh tranh mới phát sinh, biến tướng gây khó khăn cho nhà thầu để đưa ra cảnh báo. Tuy nhiên, hoạt động lựa chọn nhà thầu hiện được phân cấp triệt để, hiệu quả công tác đấu thầu phụ thuộc rất lớn vào các CĐT/BMT. Do đó, trách nhiệm của người có thẩm quyền cùng công tác giám sát, kiểm tra đối với hoạt động đấu thầu cần phải quyết liệt hơn nhằm đảm bảo môi trường đấu thầu cạnh tranh, hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục