Nếu không xuất hiện yếu tố tác động đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017 ít có khả năng tăng điểm mạnh |
Do các yếu tố này, TTCK Việt Nam được dự báo ít có khả năng tăng điểm mạnh trong năm 2017.
Ghi nhận xu hướng phục hồi trong năm 2016
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, kinh tế Việt Nam năm 2017 tiếp tục bước vào chu kỳ tăng trưởng, tạo nền tảng cho TTCK tăng điểm. Tuy nhiên, Việt Nam có thể trở thành điểm sáng thu hút đầu tư hay không sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, các cam kết cải cách mạnh mẽ, cũng như những đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây cũng sẽ là những nhân tố dẫn dắt TTCK phát triển trong thời gian tới.
Năm 2016, cùng với xu hướng phục hồi chung của hầu hết TTCK các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số VnIndex của TTCK Việt Nam tính đến ngày 26/12/2016 đứng ở mức 579,03 điểm, tăng 6,1% so với cuối năm 2015. Đây là mức tăng cao thứ hai so với các TTCK khác trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. So với các TTCK trong khu vực Đông Nam Á, mặc dù có giá trị vốn hóa khiêm tốn nhất (khoảng 65 tỷ USD), tuy nhiên, TTCK TP.HCM hiện đang có chỉ số P/E và tỷ lệ chi trả cổ tức trên thị giá ở mức hấp dẫn, mặc dù P/E đã tăng khá mạnh trong năm 2016 và ở mức cao nhất trong 5 năm qua.
Vốn hóa thị trường niêm yết và chưa niêm yết cũng là điểm rất tích cực trong năm 2016 khi ước đến hết năm, mức vốn hóa của TTCK niêm yết đạt hơn 1,6 triệu tỷ VND, tăng 25% so với cuối năm 2015, tương đương 37% GDP do một loạt các tập đoàn, công ty lớn như Sabeco, Habeco, ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) vừa được niêm yết. Đáng chú ý, vốn hóa thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCOM) cũng tăng mạnh trong năm 2016, vượt giá trị vốn hóa thị trường của HNX.
Đặc biệt, một điểm tích cực đáng ghi nhận trong năm 2016 của TTCK là hoạt động của các công ty niêm yết trong năm 2016 khả quan hơn so với năm 2015, với trên 60% công ty niêm yết ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Mặc dù số lượng công ty niêm yết vượt mức kế hoạch doanh thu đề ra còn thấp (31%), tuy nhiên, dấu hiệu tích cực này phần nào phản ánh nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi, cho dù còn nhiều khó khăn.
Vốn hóa của thị trường chứng khoán niêm yết năm 2016 đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng
Thị trường ít có khả năng tăng điểm mạnh
Thời gian qua, TTCK đã cho thấy vai trò ngày càng quan trọng trong việc thu hút dòng vốn. Cùng với dòng vốn ngân hàng, TTCK đã tạo ra kênh dẫn vốn ngắn hạn và dài hạn cho sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực như đã nêu trên, TTCK Việt Nam năm 2016 vẫn còn những hạn chế, cần phải nhìn nhận để tiếp tục khắc phục, từ đó phát triển TTCK theo hướng bền vững.
Đầu tiên là tỷ lệ đòn bẩy tài chính của Top 10 công ty niêm yết (trừ ROS và 7 tổ chức tín dụng là VCB, CTG, BIDV, MBB, STB, ACB, EIB) dù ở mức khá ổn định quanh mức 40% (vốn chủ sở hữu/tổng TS) trong giai đoạn từ năm 2012 đến quý I/2016, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn có xu hướng tăng trong năm 2016. Trong khi, tỷ lệ sinh lời (ROE và ROA) năm 2016 được ước tính là không cải thiện so với năm 2015, và giảm so với các năm trước đó.
Một hạn chế nữa là kể từ năm 2015, chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết dù đã có cải thiện đáng ghi nhận, do Thông tư số 200/2014/TT-BTC (Thông tư 200) của Bộ Tài chính được ban hành ngày 22/12/2014 về việc hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp có hiệu lực, các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đúng bản chất hơn, các thông tin trình bày trên báo cáo tài chính đầy đủ hơn, chất lượng hơn. Tuy nhiên, số liệu thống kê mới đây nhất cho thấy, vẫn có tình trạng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trước và sau kiểm toán có sự chênh lệch lớn như lãi thành lỗ hoặc ngược lại.
Theo đánh giá của IMF về thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc quản lý chứng khoán của IOSCO, Việt Nam hiện chưa thực hiện Nguyên tắc 18 “Các chuẩn mực kế toán được tổ chức phát hành sử dụng để chuẩn bị các báo cáo tài chính cần phải có chất lượng cao và được quốc tế chấp nhận”. Cụ thể, một số chuẩn mực kế toán của Việt Nam đã lạc hậu, bị các thành viên thị trường xem là không đáng tin cậy, và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa đưa ra lộ trình thời gian để cập nhật và đưa những tiêu chuẩn đó vào khuôn khổ tuân thủ tốt hơn theo thông lệ quốc tế hay áp dụng Hệ thống báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). IMF khuyến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cần cân nhắc ngay việc cho phép các công ty niêm yết sử dụng IFRS trên cơ sở tự nguyện (hiện nay, đối với các công ty niêm yết hoặc các công ty chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài muốn áp dụng IFRS, thì Việt Nam yêu cầu công khai cả phương pháp kế toán VAS và IFRS và sự đối chiếu giữa hai phương pháp này).
Sang năm 2017, dự báo TTCK Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Đối với triển vọng trong nước, theo dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế cũng như trong nước, triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn được đánh giá là tích cực, tuy nhiên tăng trưởng năm 2017 cũng chỉ quanh mức 6,7%. Trong khi đó, đà phục hồi kinh tế thế giới vẫn còn chậm, nền kinh tế Mỹ có sự hồi phục nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất lần 3 trong năm 2017, cũng như triển vọng bi quan về TPP, do vậy, không loại trừ khả năng vốn nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, để chuyển về Mỹ. Do các yếu tố cơ bản nêu trên, TTCK Việt Nam được dự báo có ít khả năng tăng điểm mạnh (ngoại trừ xuất hiện nguyên nhân đặc biệt) trong năm 2017.