Nhiều địa phương cạnh tranh cao, giảm giá mạnh qua đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo báo cáo công tác đấu thầu trong năm 2024, nhiều địa phương có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu tăng mạnh trong năm qua, tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước. Số liệu của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng cho thấy, nhiều gói thầu có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt, rất nhiều gói nhà thầu giảm giá sâu khi tham dự.
Nhiều địa phương có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu tăng mạnh trong năm qua, tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước
Nhiều địa phương có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu tăng mạnh trong năm qua, tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước

Báo cáo công tác đấu thầu năm 2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh An Giang cho biết, tỷ lệ giảm giá chung qua đấu thầu là 10,28%, tiết kiệm 370,831 tỷ đồng trên tổng giá trị các gói thầu. Tỷ lệ giảm giá này cao hơn nhiều so với năm 2023 (5,952%).

Sở KH&ĐT Đồng Tháp thống kê, tỷ lệ tiết kiệm đối với dự án đầu tư phát triển của Tỉnh là 11,38%, dự toán mua sắm là 8,01% và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế là 14,54%. Công tác đấu thầu giúp tiết kiệm một phần ngân sách cho địa phương, đem lại hiệu quả cao hơn trong đầu tư công, cũng như hoạt động mua sắm thường xuyên, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Chỉ tính riêng dự án đầu tư phát triển, Tỉnh đã tiết kiệm được 659 tỷ đồng qua đấu thầu.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị, năm 2024, tính cạnh tranh và hiệu quả trong đấu thầu được nâng lên, tỷ lệ giảm giá tăng 3,15 điểm % so với năm 2023. Trình tự, thủ tục trong việc lập, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC); đăng tải thông tin đấu thầu lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; báo cáo đánh giá, thẩm định trong quá trình lựa chọn nhà thầu… được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, công khai, đúng quy trình, quy định. Điều này đã tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mang lại nhiều kết quả đáng kể, lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng công trình, cũng như rút ngắn thời gian thi công…

Một số địa phương như Quảng Ngãi có tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu đạt 11,15%; Bình Định 10,6%; Lâm Đồng 9,3%; Tây Ninh 8,12%, tăng mạnh so với năm 2023 (2,34%); Bắc Giang 7,6%; Đà Nẵng 7,42%…

Theo nhiều địa phương, việc tiếp tục triển khai hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng mang lại hiệu quả cụ thể, số lượng nhà thầu tham gia vào các gói thầu nhiều hơn, cạnh tranh cao dẫn đến hiệu quả kinh tế cao hơn trong đấu thầu.

Theo số liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có gói thầu mua sắm hàng hóa thu hút 30 nhà thầu tham gia, có gói xây lắp ghi nhận 27 nhà thầu dự. Không chỉ gói thầu quy mô nhỏ, nhiều gói thầu xây lắp quy mô hàng trăm tỷ đồng có sự cạnh tranh của hàng chục nhà thầu.

Thực tiễn cạnh tranh cao tại nhiều gói thầu đã đưa đến tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu lớn. Ví dụ Gói thầu SPC-TABC-PC-05.1 Cung cấp lắp đặt, xây dựng đường dây đoạn tuyến từ trụ số 77 (G9) đến trạm 110 kV Thanh An và từ trụ số 82 (G11) đến trạm 220 kV Bến Cát (giá dự toán 107,57 tỷ đồng) có 13 nhà thầu tham gia, giá trúng thầu giảm khoảng 20% so với dự toán.

Một số nhà thầu chia sẻ, do cạnh tranh cao nên phải giảm giá mạnh, một số gói thầu mua sắm hàng hóa, tư vấn giảm tới 30 - 50%, gần như “lấy công làm lãi” để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh nhiều địa phương có tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu cao, cũng còn không ít địa phương có tỷ lệ giảm giá khiêm tốn. Theo báo cáo của địa phương, Hà Nam, Hà Nội giảm giá qua đấu thầu khoảng hơn 3%, Ninh Thuận 3,53%, Bắc Kạn 0,94%, Sơn La 1,56%...

Lý giải cho tỷ lệ tiết kiệm còn thấp, một số địa phương cho biết, lý do vì các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu (trong hạn mức) vẫn chiếm phần lớn và tỷ lệ tiết kiệm của hình thức này vẫn ở mức thấp; một số gói thầu còn tình trạng chỉ có 1 nhà thầu tham dự; giá trúng thầu sát với giá dự toán.

Việc giá trúng thầu sát với dự toán, dẫn đến tiết kiệm thấp xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là dự toán công trình, giá gói thầu được xác định sát với thực tế, bảo đảm quy định tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, mặc dù các chủ đầu tư đã thương thảo, đàm phán hợp đồng, nhưng giá trúng thầu giảm không nhiều so với dự toán được duyệt. Do đơn giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng, nhân công được công bố chưa sát với thực tế một số vật liệu xây dựng chính của các gói thầu tăng từ 10% đến 20% làm cho giá dự thầu của nhà thầu giảm ít so với dự toán được duyệt. Nguyên nhân chủ quan do một số gói thầu còn tồn tại những tiêu chí để hạn chế nhà thầu tham dự...

Tin cùng chuyên mục