Nhiều điều kiện kinh doanh vẫn tìm cách “hồi sinh”

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Thời gian qua, với sự nỗ lực của Chính phủ, đến nay đã cắt giảm được 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh sau khi bị cắt giảm đã tìm cách “hồi sinh” dưới hình thức các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thậm chí còn rườm rà và phức tạp hơn, trở thành rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, gây phiền hà đối với người dân.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (thành phố Đà Nẵng), nhiều điều kiện kinh doanh trong thông tư của các bộ, thậm chí trong một số nghị định của Chính phủ vẫn còn đặt ra không ít rào cản cho người dân và doanh nghiệp. Mặc dù, các cơ quan nhà nước cũng đã dỡ bỏ nhiều rào cản, cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh nhưng mà dỡ chỗ này thì lại nảy sinh ở những chỗ khác và dỡ rào cản cũ thì lại tự động mọc ra rào cản mới, thậm chí quy định mới còn rườm rà, phức tạp hơn cả những điều kiện kinh doanh cũ. Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội cũng cho biết, thời gian qua vẫn còn một số bộ, ngành ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với luật và chưa phù hợp với thực tiễn, nhiều điều kiện kinh doanh sau khi bị cắt bỏ thì “biến tấu” thành các quy định, tiêu chuẩn bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các điều kiện kinh doanh được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật đều có nguyên tắc khi ban hành. Quy trình để thực hiện xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện một văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có thông tư, nghị định, luật đều được quy định rất chặt chẽ. Trong thời gian qua, dù đã cố gắng, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng bỏ sót các điều kiện kinh doanh. Để hạn chế tình hình cắt giảm điều kiện kinh doanh không thực chất này, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp, trước hết là cơ chế tự thi hành. Các chủ thể xây dựng pháp luật cần thực hiện với trình độ chuyên môn và trách nhiệm công vụ phù hợp. Trong quá trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các điều kiện kinh doanh và việc vi phạm những quy định của pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào các quy định về điều kiện kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, đưa quyết sách cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất thì cần tiếp tục rà soát lại các điều kiện kinh doanh, giám sát chặt quá trình ban hành các quy định có thể phát sinh điều kiện kinh doanh. Trước hết, phải kiểm soát ngay từ khâu dự thảo quy định, phải nâng cao chất lượng dự thảo quy định và đây là vấn đề quan trọng vì là “đầu vào” của nhiều điều kiện kinh doanh mới. Thứ hai, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa trong việc để các doanh nghiệp giám sát, người dân giám sát về các điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thứ ba, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc và xử lý hồ sơ công khai trên hệ thống điện tử. Thứ tư, huy động sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu bên lề Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình) cho rằng, có 2 nguyên nhân dẫn đến điều kiện kinh doanh “hồi sinh” sau khi đã cắt giảm 1 cách cơ học. Nguyên nhân thứ nhất là lợi ích nhóm, việc cắt bỏ một số điều kiện kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc phải từ bỏ một số chức năng quản lý của ngành, gắn với quyền lợi, quyền lực của một bộ phận không nhỏ cán bộ trong ngành đó, vì thế người ta sẽ tìm cách để điều kiện kinh doanh đó không bị biến mất. Thứ 2 là khi cắt bỏ một số điều kiện kinh doanh, rất có thể tạo ra lỗ hổng trong quản lý nhà nước của 1 số ngành nên họ phải bổ sung quy định này trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện liên quan để đảm bảo tính chặt chẽ cho công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực đó.

Theo Đại biểu Bùi Văn Xuyền, để hạn chế tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh không thực chất thì cần phải tăng cường giám sát chặt quá trình xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến các điều kiện kinh doanh. Mọi điều kiện kinh doanh phát sinh đều bắt nguồn từ việc ban hành các văn bản, chính vì thế, kiểm soát chặt các nội dung văn bản ban hành, gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì sẽ hạn chế được tối đa việc “đẻ” thêm, “biến tấu” của các điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan trung gian, cơ quan độc lập thẩm định và có ý kiến về các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành; các điều kiện kinh doanh cần phải được công bố công khai, rộng rãi và thực chất tới người dân, tổ chức để lấy ý kiến phản hồi.

Tin cùng chuyên mục