Nhiều lực đẩy, giá vàng có biến động mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau thời gian dài đi ngang, giá vàng thế giới và trong nước bất ngờ tăng trở lại trong những ngày gần đây. Lực đẩy chủ yếu với giá kim loại quý này là tâm lý chờ đợi thông tin về chính sách tiền tệ của Mỹ và một phần lo ngại từ vụ việc Evergrande. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, yếu tố đẩy giá vàng tăng trong trung và dài hạn có thể là lạm phát.
Giá vàng SJC trên thị trường ngày 22/9 tăng 50 nghìn đồng/lượng so với giá giao dịch cuối ngày 21/9. Ảnh: Linh Linh
Giá vàng SJC trên thị trường ngày 22/9 tăng 50 nghìn đồng/lượng so với giá giao dịch cuối ngày 21/9. Ảnh: Linh Linh

Đến 16 giờ ngày 22/9, giá vàng SJC trên thị trường phổ biến ở mức 56,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,17 triệu đồng/lượng (bán ra), tương ứng mức tăng 50 nghìn đồng/lượng so với giá giao dịch cuối ngày 21/9. Trước đó, trong 2 ngày giao dịch đầu tuần, mỗi ngày giá vàng cũng tăng khoảng 50 - 200 nghìn đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng trong nước cùng chiều với xu thế biến động trên thị trường vàng thế giới. Đến cuối giờ chiều ngày 22/9, vàng giao ngay trên sàn vàng thế giới Kitco được giao dịch ở mức 1.775,91 USD/oz (mua vào) và 1.776,03 USD/oz (bán ra), tương ứng mức tăng gần 23 USD/oz so với phiên giao dịch đầu tuần.

Giới phân tích và đầu tư thế giới cho biết, thị trường đang ngóng chờ thông báo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về chủ trương điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và việc mua lại trái phiếu trị giá 120 tỷ USD.

Ở khía cạnh khác, các thông tin tiêu cực về Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc được cho là có tác động tâm lý đến thị trường tài chính toàn cầu, khiến nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới giảm điểm và góp phần đẩy giá vàng tăng.

Theo Kitco News, thị trường dần nóng lên khi thời điểm đáo hạn khoản nợ 83,5 triệu USD của Evergrande đang đến gần. Giới phân tích dự báo Evergrande sẽ không thực hiện được đúng hạn nghĩa vụ thanh toán và tập đoàn bất động sản khổng lồ này có thể vỡ nợ. Các nhà đầu tư đang rất lo lắng về phản ứng dây chuyền của vụ việc.

Tình trạng bất ổn buộc nhà đầu tư phải tìm kiếm các tài sản trú ẩn, do đó vàng mới được quan tâm mạnh trong tuần này, từ đó đẩy giá vàng quay đầu đi lên sau khi tụt từ 1.807 USD xuống còn 1.750 USD/ounce vào tuần trước.

Theo phân tích của ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng, giảm theo giá vàng thế giới nhưng sẽ không biến động quá lớn trong thời gian tới bởi một số yếu tố. Trước hết, giá vàng phụ thuộc vào diễn biến đồng USD, sự thay đổi chính sách tiền tệ của FED khi bắt đầu chu kỳ điều hành ngân sách mới cho năm sau được hoạch định vào tháng 9. Cả hai yếu tố này dự kiến sẽ không có bất ngờ lớn.

Mặt khác, theo ông Hải, yếu tố có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư là diễn biến dịch Covid-19 đến nay cũng đã giảm dần bởi phần lớn các nước đều xác định “sống chung với dịch”.

“Do đó, trong ngắn hạn, giá vàng sẽ chưa có biến động lớn. Kể cả Evergrande cũng sẽ chỉ tác động trong một thời gian ngắn, bởi vụ việc này gây biến động trên thị trường tài chính Trung Quốc, nhưng nhân dân tệ là đồng tiền chưa được tự do chuyển đổi nên chưa tác động nhiều đến thị trường tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, yếu tố có thể tác động đến giá vàng chính là “bóng ma” lạm phát có thể quay trở lại khi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tăng chi tiêu để phòng chống dịch và nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế”, ông Hải nói.

Tin cùng chuyên mục