Nhiều ngân hàng báo lãi lớn năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 7 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2023, nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 2 con số. MBBank đạt lợi nhuận tỷ USD, còn LPBank, Sacombank cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Năm 2024, ngành ngân hàng được dự báo cải thiện nhờ chi phí vốn giảm, tăng trưởng tín dụng hồi phục.
Các ngân hàng có nhiều không gian để gia tăng lợi nhuận khi giai đoạn khó khăn nhất về bảo đảm tính ổn định của hệ thống ngân hàng đã đi qua. Ảnh: Nhã Chi
Các ngân hàng có nhiều không gian để gia tăng lợi nhuận khi giai đoạn khó khăn nhất về bảo đảm tính ổn định của hệ thống ngân hàng đã đi qua. Ảnh: Nhã Chi

Bức tranh sáng về lợi nhuận ngân hàng

Trong nhóm Big 4, dẫn đầu lợi nhuận trước thuế năm 2023 là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với khoảng 41.200 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng cuối năm 2023 đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm cuối năm 2022. Chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 185%.

Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với lợi nhuận trước thuế năm 2023 lần lượt đạt 27.400 tỷ đồng (tăng 19,2% so với năm 2022), 25.400 tỷ đồng (tăng 14%), 20.946 tỷ đồng (tăng 16%). Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng này theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN ở mức dưới 2%. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV và VietinBank lần lượt ở mức 1,1% và 1,15%.

Cũng đạt mức lợi nhuận tỷ USD trong năm 2023 là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 (sáng 12/1/2024), MBBank cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và hoàn thành 100% kế hoạch.

Về phía các ngân hàng tư nhân, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 7.039 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022. Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của LPBank đạt hơn 382.953 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Hoạt động huy động vốn thị trường 1 đạt 285.342 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng đạt 39.686 tỷ đồng, với tỷ lệ 16,83%. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2023 của Ngân hàng đạt 1,26%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (1,45%) và thấp hơn nhiều so với quý III/2023.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ước lãi trước thuế năm 2023 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Nhà băng này cho biết, tính đến cuối năm 2023, tổng huy động vốn ước đạt hơn 574 nghìn tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.

Triển vọng tích cực trong năm 2024

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup cho rằng, triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn trong năm 2024. Các yếu tố tích cực đến từ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sẽ có sự phục hồi tốt so với năm 2023 khi lãi suất huy động đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng năm 2024 kỳ vọng khả quan hơn khi triển vọng kinh tế có thể sẽ bớt tiêu cực. Ngoài ra, giai đoạn khó khăn nhất về bảo đảm tính ổn định của hệ thống ngân hàng đã đi qua, các ngân hàng có nhiều không gian để tạo lợi nhuận.

Tuy nhiên, ông Báu cũng lưu ý, ngành ngân hàng năm 2024 tồn tại một số rủi ro như: nợ xấu duy trì ở mức cao và chi phí dự phòng chịu áp lực gia tăng khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào tháng 6/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản đang chiếm trọng số quá lớn trong số dư cho vay và tài sản thế chấp của ngành ngân hàng, sự phục hồi thị trường nhà ở vào năm 2024 sẽ là biến số cần chú ý với triển vọng của Ngành.

Báo cáo mới đây của SSI Research đánh giá, hiệu quả ngành ngân hàng sẽ có sự cải thiện trong năm 2024, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng năm 2023 có sự cải thiện, giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn. SSI Research đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP có thể phục hồi trong khoảng 6 - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây và Ngân hàng Nhà nước sẽ có ứng phó linh hoạt trong cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu.

Tin cùng chuyên mục