Nhiều việc phải làm để vận hành sàn giao dịch nợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sàn giao dịch nợ đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý III năm nay. Song hiện tại, nội dung cụ thể về đối tượng tham gia, sản phẩm trên sàn và cách thức vận hành của sàn vẫn chưa được công bố. Bên cạnh đó, để mô hình này phát huy hiệu quả, còn nhiều việc phải làm.
Sàn giao dịch nợ VAMC được kỳ vọng góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển. Ảnh: Lục Giang
Sàn giao dịch nợ VAMC được kỳ vọng góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển. Ảnh: Lục Giang

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo mô hình chi nhánh. VAMC đã ban hành quyết định về việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - Chi nhánh Sàn giao dịch nợ (tên viết tắt: Sàn giao dịch nợ VAMC).

Sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc phát hiện vấn đề, đề xuất giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Sàn giao dịch nợ VAMC được thành lập để hướng tới mục tiêu tạo lập, cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong xử lý nợ xấu, từ đó nâng cao vị thế, vai trò của VAMC, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm của thị trường.

VAMC đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương Sàn giao dịch nợ. Sau khi đi vào hoạt động, Sàn giao dịch nợ VAMC được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của các tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ của các ngân hàng (AMC) và nhiều nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký thành viên, sử dụng dịch vụ và giao dịch, hứa hẹn tạo lập một môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, hiệu quả.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC chia sẻ: "Chúng tôi được NHNN đồng ý xây dựng Sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III/2021 sẽ ra đời. Ngoài ra, Câu lạc bộ VAMC đã được thành lập với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các AMC đóng góp ý kiến”.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, quan trọng nhất với hoạt động của sàn giao dịch nợ là tính công khai, minh bạch thông tin về các khoản nợ. “Càng được nhiều người biết, khoản nợ càng thu hút được nhiều nhà đầu tư, tạo tính thanh khoản tốt cho khoản nợ. Thực tế hiện nay, hoạt động mua bán nợ chỉ dừng ở việc niêm yết sơ lược về khoản nợ, tạo điều kiện bước đầu cho người mua - người bán đến với nhau”, ông Đức nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, hiện giới quan sát thị trường chưa tiếp cận được nội dung cụ thể về quy chế hoạt động, đối tượng và điều kiện tham gia, cơ quan giám sát giao dịch trên sàn giao dịch nợ.

Ông Hiếu cho rằng, việc đưa sàn này đi vào hoạt động như cách thức vận hành của sàn giao dịch nợ ở nước ngoài hoặc như sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam là không thể thực hiện ngay trong quý III năm nay bởi còn thiếu nhiều yếu tố cần thiết.

Từng tham gia mua bán nợ trên sàn giao dịch nợ của Mỹ, ông Hiếu cho biết, đó là sàn mua bán các khoản nợ xấu và cả nợ tốt. Khi các chủ nợ thay đổi “khẩu vị” đầu tư, họ sẽ bán cả nợ tốt để chuyển danh mục đầu tư. Điều này là cần thiết để đa dạng danh mục mua bán nợ và tăng tính thanh khoản cho thị trường. Với các khoản nợ xấu, người mua thường không chú ý đến khoản nợ mà chủ yếu xem xét tài sản bảo đảm, trong khi việc xử lý tài sản bảo đảm ở Việt Nam hiện nay còn quá nhiều khúc mắc.

“Có ý kiến cho rằng cần chứng khoán hóa nợ xấu để giao dịch trên sàn. Đó là điều được thực hiện ở sàn giao dịch nợ của các nước phát triển, các khoản nợ có thể được gom lại thành một mối rồi chứng khoán hóa trên số nợ đó để bán. Cách thức đó chỉ được thực hiện một cách thuận lợi nếu việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm thông thoáng, dễ dàng”, ông Hiếu nói.

Đáng lưu ý, theo ông Hiếu, hoạt động của sàn giao dịch nợ phải bảo đảm tính minh bạch, có cơ quan giám sát để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Hơn nữa, có khoản nợ xấu của ngân hàng là cho vay “sân sau”, vậy các chủ nợ có dám công khai chi tiết đầy đủ các nội dung này không? Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, để sàn giao dịch nợ hoạt động hiệu quả, cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, cụ thể hóa các quy định hoạt động của sàn. Bên cạnh đó, cần rà soát và sửa đổi các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý các vấn đề liên quan tài sản thế chấp.

Tin cùng chuyên mục