Nhiều yếu tố tác động tới nợ xấu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với nhiều số liệu khả quan, đặc biệt, nợ xấu được kiểm soát ở mức khá thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng trở lại khi quy định về gia hạn nợ và chưa chuyển nhóm nợ sẽ hết hiệu lực vào giữa năm nay, đồng thời, công tác xử lý tài sản đảm bảo gặp khó khăn do quy định về thu giữ tài sản đảm bảo tại Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực.
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nội dung về quyền thu giữ tài sản đảm bảo đã hết hiệu lực. Ảnh: Lê Tiên
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nội dung về quyền thu giữ tài sản đảm bảo đã hết hiệu lực. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều ngân hàng kiểm soát tốt nợ xấu

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất trước kiểm toán năm 2023 với tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 2,2% từ mức 2,62% vào cuối quý I/2023. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đến cuối năm 2023 ở mức 1,15%, giảm 0,09 điểm % so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đến hết năm 2023 ở mức 1,26%...

Một số tổ chức nghiên cứu cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức không quá cao vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, chất lượng tài sản vẫn là vấn đề đáng quan tâm trong năm 2024.

Theo Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, từ cuối năm 2022 đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết nghĩa vụ nợ sắp đến hạn. Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại các ngân hàng tại thời điểm cuối quý III/2023 tăng lần lượt là 53% và 42% so với đầu năm 2023. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu, nợ cần chú ý và nợ tái cơ cấu vào cuối quý III/2023 lần lượt là 1,98%, 2,38% và 1%. Các khoản vay có vấn đề này tương đương với 5,3% tổng dư nợ tính tại thời điểm cuối quý III/2023.

Tín dụng tăng tốc vào cuối năm, về đích ở mức tăng trưởng 13,71% có thể là lý do khiến tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,89% trong quý IV/2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại.

Theo VNDirect, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ cần chú ý, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và các khoản vay cũ) cần tiếp tục được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp được thông qua theo hướng nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thì không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Ở khía cạnh khác, nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu là tình trạng pháp lý của nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thiện. Vấn đề này không thể giải quyết một cách nhanh chóng. Quốc hội đã thông qua 3 luật mới (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai 2024) nhưng năm 2025 mới có hiệu lực.

Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng tạm thời được kiểm soát, tuy nhiên cần lưu ý hơn trong năm 2024. Những rủi ro khiến nợ xấu “phình to” có thể đến từ: Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực vào tháng 6/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ; bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm 2024 không nhiều.

Về việc kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mặc dù thời gian qua, cơ quan này đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh, nhưng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đến nay đã gần 5%. NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Đối với việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đại diện NHNN cho biết, 3 tháng trước khi Thông tư hết hiệu lực, nếu thấy cần thiết, NHNN sẽ xem xét gia hạn để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đến hết năm 2023 ở mức 1,26%. Ảnh: LPD

Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đến hết năm 2023 ở mức 1,26%. Ảnh: LPD

Nên kéo dài quy định về gia hạn nợ

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong năm 2024, NHNN vẫn có thể kiểm soát được rủi ro về nợ xấu. Tuy nhiên, nếu không gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN thì các doanh nghiệp, bên vay sẽ khó tiếp cận tín dụng hơn và nợ xấu sẽ tăng lên.

“Dù vậy, cũng không nên gia hạn dài quá bởi sẽ nuôi rủi ro và tạo tâm lý ỷ lại với các bên vay, phải có thời hạn để chấm dứt chuyện này. Nên gia hạn đến hết năm nay, hy vọng trong năm 2025 thế giới phục hồi tốt hơn, Việt Nam cũng phục hồi, tăng trưởng tốt hơn năm trước thì doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn”, ông Lực khuyến nghị.

Về mặt pháp lý, một trong những khó khăn của hệ thống ngân hàng trong xử lý nợ xấu là Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu có nội dung về quyền thu giữ tài sản đảm bảo đã hết hiệu lực. Trong khi đó, Luật Các TCTD (sửa đổi) vừa được thông qua lại không đề cập đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo của TCTD. Dù vậy, với nội dung xử lý tài sản đảm bảo tại Luật (hiệu lực từ ngày 1/1/2025), các TCTD được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ.

Quy định này được Nhóm nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán MB (MBS Research) đánh giá sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực sẽ gây khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ, xử lý các khoản nợ và tài sản bảo đảm với vấn đề đáng ngại là tâm lý chây ì không trả nợ khi không có quy định pháp luật để thu hồi và xử lý nợ xấu.

“Trước đây còn có các tổ chức chính quyền cùng vào cuộc trong việc xử lý, thu hồi nợ, nhưng bây giờ chỉ còn ngân hàng “đơn thương độc mã” trong xử lý nợ xấu. Nếu “con nợ” chây ì không trả nợ, các TCTD không thể xử lý được và phải đưa ra tòa thì sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí kéo dài tới nhiều năm vẫn chưa thu hồi được nợ. Nếu tình trạng này tái diễn thì đến bao giờ ngân hàng mới vơi nợ xấu?”, ông Hùng nêu vấn đề.

Tin cùng chuyên mục