Nợ xấu tăng cao, cần các giải pháp nhanh và mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nợ xấu toàn hệ thống đã vọt lên mức trên 5% vào cuối tháng 8. Nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, MBBank, Techcombank… tuy có tỷ lệ nợ xấu dưới ngưỡng 3%, nhưng đang tăng tốc từ quý này sang quý khác. Nợ xấu tăng có thể gây căng thẳng thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn với hệ thống ngân hàng, nên cần các giải pháp rốt ráo hơn để xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Đến cuối tháng 8/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,12%. Ảnh: Tường Lâm
Đến cuối tháng 8/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,12%. Ảnh: Tường Lâm

Tại báo cáo mới nhất gửi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 8/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 5,12%. Trong 8 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 144,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 425,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Trước đó, đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các TCTD ở mức 6,16% so với tổng dư nợ.

Trong khi đó, khảo sát của Công ty Chứng khoán VNDIRECT từ báo cáo tài chính quý III/2023 của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trung bình là 2,24%, mức cao nhất kể từ năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng lớn tăng tốc đáng kể. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu trong quý III/2023 tăng lên 1,21% so với 0,83% vào cuối quý II/2023. Tại Ngân hàng MBBank, nợ xấu vào cuối quý III/2023 đạt 1,89% - mức cao nhất kể từ năm 2016. Tại Ngân hàng Techcombank, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,4% từ mức 1,1% của cuối quý II/2023. Tại Ngân hàng TPBank, tỷ lệ nợ xấu từ mức 0,84% đầu năm 2023, tăng nhanh lên mức 2,2% vào cuối quý II/2023 và đạt 3% vào cuối quý III/2023…

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nợ xấu toàn hệ thống lên mức cao trong những tháng qua trong khi nợ xấu của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất vẫn ở mức dưới 3%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do nợ xấu của các ngân hàng yếu kém tăng mạnh. Các ngân hàng thương mại lớn đều trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và cả khoản nợ xấu tiềm ẩn do được thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Do đó, ông Lực cho rằng, mặc dù nợ xấu toàn hệ thống tăng nhanh, song phần lớn trong số đó đã được tính toán các phương án dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nợ xấu tăng tuyến tính trong những tháng qua phản ánh đúng tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chật vật trả nợ. Đáng chú ý, theo vị giảng viên này, số nợ xấu tăng cũng có thể do nhiều khoản nợ nhóm cần chú ý (nhóm 2) buộc phải sang nhóm nợ xấu do không còn đáp ứng điều kiện gia hạn nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Biểu đồ nợ xấu theo VNDIRECT

Biểu đồ nợ xấu theo VNDIRECT

“Tỷ lệ nợ xấu nội bảng lên tới trên 5% là con số rất cao, song vẫn chưa phản ánh hết thực trạng chất lượng tài sản ngân hàng, bởi nhiều khoản nợ vẫn còn được tiếp tục gia hạn nợ theo quy định. Trong thời gian tới, vấn đề nợ xấu có thể sẽ căng thẳng hơn khi lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ sẽ đến hạn và buộc phải tính vào nợ xấu, tình hình sản xuất, kinh doanh chưa hồi phục mạnh mẽ. Do đó, nợ xấu có thể sẽ chạm đỉnh vào quý IV năm nay hoặc quý I/2024. Chỉ khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì triển vọng nợ xấu mới có thể bớt xấu”, ông Huân chia sẻ.

Cũng theo ông Huân, từ năm 2011 đến nay, NHNN đã nỗ lực thực hiện việc tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và ghi nhận một số kết quả nhất định, song nợ xấu vẫn tiếp tục là mối lo với ngành ngân hàng trong thời gian tới. Xét trong bức tranh chung có thể thấy, nếu việc xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém vẫn chậm chạp thì “cục máu đông” này có thể sẽ lan rộng, gây căng thẳng thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn cho cả hệ thống.

Do đó, ông Huân cho rằng, cần các giải pháp mạnh mẽ hơn để đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, trong đó, một cách thức khả thi là làm mới quy định pháp lý, cho phép khối ngoại tăng sở hữu tại các ngân hàng này lên mức 49% hoặc cao hơn thay cho mức tối đa 30% hiện nay để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngân hàng một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để quy trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng thị trường mua bán nợ công khai, minh bạch để thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.

Theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/6/2022 về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém).

Tin cùng chuyên mục