Tỷ trọng thanh toán quốc tế trên 90% là USD nên tác động của đồng tiền này là rất lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Nhìn lại tỷ giá 2015
Với kết quả của năm 2014, NHNN tiếp tục đặt chỉ tiêu không để tiền đồng mất giá quá 2% so với USD trong năm 2015. Tuy nhiên, năm 2015 đã khác so với năm 2014 khi mà nền kinh tế trong nước mặc dù tiếp tục có sự phục hồi nhưng đi kèm với đó thâm hụt cán cân thương mại tăng trở lại, đặc biệt là thâm hụt trầm trọng với láng giềng Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu.
Do nền sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu từ Trung Quốc, nên trong năm 2015, ước tính nhập siêu của Việt Nam với thị trường này lên tới 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước. Nhập siêu cả nước 3,2 tỷ USD, đã quay trở lại sau 3 năm xuất siêu. Thâm hụt thương mại đã làm giảm thặng dư cán cân thanh toán tổng thể so với các năm trước. Điều này đồng nghĩa là nguồn cung ngoại tệ không dồi dào như trước, trong khi áp lực gia tăng dự trữ bắt buộc của NHNN ngày càng lớn do sự tăng trưởng của nhập khẩu. Kết quả là cán cân cung cầu ngoại tệ đã không còn cân bằng mà ngày càng gây áp lực phá giá lên tiền đồng.
Diễn biến kinh tế thế giới năm 2015 cũng rất bất lợi đối với việc ổn định tỷ giá của Việt Nam, đặc biệt là các diễn biến tại các nền kinh tế ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Đồng Euro tiếp tục mất giá so với USD. Kinh tế Mỹ có đà tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện về tỷ lệ thất nghiệp. Trung Quốc, những dấu hiệu về suy giảm tăng trưởng đã xuất hiện những năm gần đây nhưng trong năm 2015 vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Kinh tế Trung Quốc yếu hơn cộng với việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc thay đổi chính sách tỷ giá từ cố định sang thả nổi có kiểm soát đã làm cho đồng Nhân dân tệ (CNY) bị mất giá 3% so với đầu năm 2015.
Như vậy, có thể thấy rằng, những biến động lớn của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tác động xấu đến giá trị của tiền đồng trong năm 2015, tuy nhiên những biến động này đã không được dự báo một cách đầy đủ và chính xác để tạo sự chủ động trong chính sách tỷ giá. Kết quả là cam kết tỷ giá của NHNN đã không được giữ vững, gây nên những biến động bất ngờ trên thị trường ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm niềm tin của thị trường đối với chính sách của NHNN.
Từ những điều nêu trên cho thấy, về chính sách tỷ giá vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải xử lý cả về ngắn hạn và dài hạn. Đến cuối tháng 7/2015, cam kết kiểm soát biên độ tỷ giá tăng không quá 2% được NHNN khẳng định nhiều lần, cho dù kể từ ngày 7/5 đã chính thức nới hết room cho phép. Nhưng, vào 11/8, mọi thứ đã đảo lộn bất ngờ khi Trung Quốc phá giá CNY. Chỉ trong vòng một tuần lễ, NHNN đã liên tiếp phá giá tiền đồng bằng động tác kép, vừa nới biên độ, vừa nâng tỷ giá điều hành, đưa tỷ lệ phá giá cả năm vọt lên đến 5%. Đây là tình huống hoàn toàn nằm ngoài dự báo, được NHNN lý giải bởi sức ép từ việc phá giá mạnh CNY và khả năng tăng lãi suất của FED.
Không có lý do gì bảo đảm rằng mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định như trước trong bối cảnh USD sẽ nâng lãi suất vào cuối năm đe dọa giá trị của VND.
Cái giá phải trả cho đợt phá giá tiền tệ lần này là rất đáng kể đối với kinh tế vĩ mô: Nợ công USD đang có xu hướng tăng nhanh. Hiện tượng xuất thô, nhập tinh tiếp tục kéo dài, lợi thế so sánh cạnh tranh thường ở thế thua thiệt. Năng lực xuất siêu bị hạn chế, riêng những tháng đầu năm lĩnh vực nông thủy sản giảm khá mạnh. Nhập siêu chính ngạch không đáng lo bằng khoản nhập siêu tiểu ngạch khổng lồ từ Trung Quốc, sau khi CNY bị phá giá mạnh sẽ càng được kích hoạt, hàng hóa thẩm lậu tràn vào thị trường nội địa Việt Nam.
Tỷ giá năm 2016 sẽ tiếp tục điều chỉnh ít nhất 3%-4%
Việc CNY được đưa vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 10/2016 và FED tăng lãi suất vào giữa tháng 12/2015 được dự báo sẽ tác động đến tỷ giá VND/USD.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay thì những tác động của USD vẫn mang ảnh hưởng nhiều hơn vì đa phần tỷ trọng thanh toán quốc tế vẫn trên 90% là USD.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên những biến động của đồng CNY cũng có tác động nhất định lên VND. Đây là 2 yếu tố tác động đến VND trong thời gian qua và thời gian sắp tới.
Xu thế chung của 2016 làkhả năng biến động của các đồng tiền vẫn tiếp tục nhiều như năm 2015. Chúng ta nhìn thấy chính sách của các ngân hàng trung ương các nước đang ngược chiều nhau, Mỹ đã tăng lãi suất lên trong tháng 12 năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016, còn ngân hàng trung ương châu Âu lại hạ lãi suất xuống, Nhật có thể vẫn tiếp tục theo chính sách nới lỏng tiền tệ, Trung Quốc trong thời gian tới không biết sẽ thế nào… Những chính sách ngược chiều và đối lập nhau sẽ tạo ra những chuyển động trên thị trường ngoại hối trong thời gian sắp tới.
PGS.TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính
Trung Quốc đang trong quá trình tiến tới thả nổi CNY, do đó, từ nay đến tháng 10/2016, CNY sẽ tiếp tục bị phá giá. Mức độ phá giá bao nhiêu khó dự báo nhưng dự đoán khoảng 3%. Nếu CNY tiếp tục phá giá trong khi tỷ giá VND tiếp tục được neo giữ so với USD thì chúng ta sẽ bị bất lợi trong xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đồng thời sẽ khuyến khích nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, từ đó nhập siêu sẽ tăng và tạo áp lực nhất định lên tỷ giá, buộc NHNN có thể phải điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Mức điều chỉnh ít nhất cũng tương tự với mức độ phá giá của CNY, tức là ít nhất 3%.
Sự kiện phá giá tiền tệ dồn dập ở một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, một lần nữa cho thấy vai trò mạnh mẽ của quan hệ cung cầu thị trường và khả năng thao túng của các đồng tiền như USD, Euro, CNY... Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, thế lực này ngày càng trở nên khó dự báo, không dễ dàng ứng phó, kể cả không thể cưỡng lại được nếu chúng ta không chủ động thay đổi mô hình quản lý theo hướng mềm dẻo, linh hoạt, theo tín hiệu và nguyên tắc thị trường.
NHNN cần xem xét nghiên cứu lại cơ chế điều hành tỷ giá trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Nếu vẫn tiếp tục tư duy và lề lối cứng nhắc như hiện nay thì chắc chắn NHNN sẽ phải đối mặt với nhiều lúng túng, kể cả rủi ro về lòng tin khi đưa ra những tuyên bố cam kết điều hành dễ dàng bị thị trường loại bỏ. Cơ quan chức năng không nên ảo tưởng về những nguồn lực dự trữ hiện có để phòng vệ cho sự ổn định tỷ giá, với dự trữ ngoại tệ khoảng 30 tỷ USD chưa đáng kể (so với Malaysia khoảng 300 tỷ USD). Nếu xẩy ra những sự cố chiến tranh tiền tệ thế giới, thì khoản dự trữ đó không có nghĩa lý gì.
Chủ trương của Chính phủ rất rõ ràng là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi vì nếu nhìn vào năm 2015 các đồng tiền trong khu vực phá giá rất lớn như đồng Ringgit (Malaysia), đồng Ruby (Indonesia)…, nhưng nếu Việt Nam cũng chấp nhận như vậy thì nó gây bất ổn rất lớn trên thị trường tài chính Việt Nam. Vì bản thân các doanh nghiệp và người dân Việt Nam chưa có sự chuẩn bị, các công cụ chống rủi ro chưa được sử dụng nhiều.
Tôi nghĩ là có những tình huống sẽ nằm ngoài kiểm soát của NHNN. Do vậy, NHNN có thể có những định hướng để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh thị trường không có biến động mạnh. Đây cũng là mục tiêu mà NHNN đưa ra để duy trình sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam.