Ảnh minh họa - Internet |
Do Thông tư 10/2006/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài căn cứ vào Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 hiện đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bởi Nghị định 83/2015/NĐ-CP, để kịp thời hoàn thiện cơ sở pháp lý hiện hành nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư ra nước ngoài, cần thiết ban hành thông tư thay thế Thông tư số 10/2006/TT-NHNN.
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thay thế Thông tư số 10/2006/TT-NHNN. Theo đó, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho khách hàng vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các nhu cầu vốn sau: a- Góp vốn điều lệ bằng tiền để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c Khoản 1 Điều 52 của Luật Đầu tư; b- Chi phí, mua các tài sản ở Việt Nam và nước ngoài, bao gồm: máy móc, thiết bị; vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm và bán thành phẩm; giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu; các tài sản hợp pháp khác để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c Khoản 1 Điều 52 của Luật Đầu tư.
Trường hợp khách hàng vay để đầu tư ra nước ngoài theo hình thức quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho khách hàng vay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về hình thức đầu tư và nhu cầu vay vốn.
Tổ chức tín dụng không được cho vay các nhu cầu vốn theo quy định tại Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN hoặc các nhu cầu vốn mà pháp luật nước tiếp nhận đầu tư không cho phép đầu tư, kinh doanh.
Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng vay để đầu tư ra nước ngoài có đủ các điều kiện sau: 1. Có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền cấp và đáp ứng các điều kiện về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 64 Luật Đầu tư; 2. Có nhu cầu vay vốn theo quy định; 3. Có phương án sử dụng vốn đầu tư ra nước ngoài khả thi; 4. Có khả năng tài chính để trả nợ từ nguồn thu từ dự án đầu tư tại nước ngoài hoặc các nguồn tiền hợp pháp khác.
Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng loại dự án đầu tư, hình thức đầu tư ra nước ngoài và phương thức cho vay đối với khách hàng.
Mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng tối đa không vượt quá 70% tổng mức vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c và đ Khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư.
Thời hạn cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với thời hạn của dự án, thời hạn của hợp đồng BBC và khả năng trả nợ của khách hàng.
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc cho vay để đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam và được chuyển đổi sang đồng tiền được xác định đầu tư ra nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay.
Kiểm tra, giám sát vốn vay
Ngoài ra, tổ chức tín dụng có trách nhiệm và có quyền kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng, trên cơ sở báo cáo tài chính, các tài liệu khác có liên quan của khách hàng vay và pháp nhân được hình thành từ dự án đầu tư ra nước ngoài, tài sản bảo đảm (nếu có). Tổ chức tín dụng và khách hàng vay phải có thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng về biện pháp kiểm tra, giám sát vốn vay phù hợp với điều kiện thực tế, đặc điểm và tính chất khoản vay để đảm bảo an toàn, hiệu quả vốn cho vay.