Đầu tư PPP là phương thức phù hợp, hiệu quả để xây dựng kết cấu hạ tầng trong thời điểm hiện nay. Ảnh: Lê Tiên |
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến tháng 7/2020, các đơn vị trong Tỉnh đã cơ bản xây dựng nhu cầu đầu tư trung hạn 2021 - 2025. Tổng nhu cầu vốn đầu tư công trên địa bàn Tỉnh giai đoạn tới khoảng 60 nghìn tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vốn ngân sách trung ương là 30 nghìn tỷ đồng. UBND tỉnh Phú Yên ước tính nhu cầu đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 12.735 tỷ đồng… Nhiều địa phương cũng dự kiến đề nghị Trung ương hỗ trợ cho nhiều dự án với số vốn rất lớn.
Không phải đến bây giờ, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công cho năm tới, giai đoạn tới, bài toán làm sao đáp ứng nhu cầu đầu tư luôn cao hơn so với khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước mới đặt ra. Việc thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau để cùng đầu tư hạ tầng là lời giải cũ, nhưng luôn phù hợp. Lãnh đạo nhiều địa phương khẳng định sẽ tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, coi trọng xã hội hóa đầu tư để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ du lịch…
Thông lệ quốc tế cho thấy, mặc dù đầu tư công vẫn là hình thức phổ biến nhưng hầu hết các nước đều có chương trình, kế hoạch để huy động tư nhân tham gia tài trợ, quản lý dự án kết cấu hạ tầng. Nhu cầu lớn về vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nợ công tăng cao ở cả các nước phát triển và đang phát triển đòi hỏi chính phủ phải kêu gọi sự tham gia của khối tư nhân. Hơn nữa, trong nhiều lĩnh vực, nhà nước làm không tốt bằng tư nhân. Và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là phương thức phù hợp, hiệu quả thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ - khu vực tư nhân - cộng đồng...
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho rằng, PPP là phương thức huy động vốn ưu việt cho kết cấu hạ tầng, rất phù hợp với thời điểm hiện nay và Luật PPP được ban hành là bước thành công lớn. Dẫn thực tế Bộ GTVT cũng thành lập Vụ PPP, Thứ trưởng Lê Đình Thọ gợi mở các sở, ngành ở địa phương nên thành lập tổ chuyên gia nghiên cứu sâu về Luật PPP, vận dụng chặt chẽ, theo đúng quy định, tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp áp dụng Luật một cách hiệu quả.
“Ví dụ, đầu tư cảng biển, luồng sẽ do Nhà nước quản lý, còn cầu cảng bến cảng, dịch vụ hậu cần, kho bãi logistics thì các thành phần kinh tế được tham gia theo quy hoạch, cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ theo quy hoạch, từ đó sẽ có được hệ thống cảng đồng bộ. Không nhất thiết cái gì cũng là ngân sách nhà nước đầu tư”, ông Thọ chia sẻ.
PGS.TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM, nhận định, việc huy động vốn tư nhân đầu tư hạ tầng thông qua phương thức PPP là rất quan trọng, góp phần bù đắp thâm hụt ngân sách, hạn chế gia tăng nợ công, là giải pháp cho các quốc gia đối mặt với nợ công cao, trình độ quản lý kém, trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội lớn.
Ông Dũng đánh giá, Luật PPP là cú hích giúp đầu tư PPP phát triển mạnh hơn trong thời gian tới tại Việt Nam khi tạo ra khung pháp lý minh bạch, hiệu quả hơn. Chuyên gia này nêu 4 điểm mới rất quan trọng mà Luật PPP đã đạt được, đó là quy định rõ lĩnh vực được phép thực hiện PPP; bảo đảm minh bạch hóa thông tin về dự án PPP; quy định về doanh nghiệp dự án PPP và quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của dự án.
Luật PPP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, 3 nghị định hướng dẫn Luật gồm Nghị định hướng dẫn chung về PPP, Nghị định hướng dẫn Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư và Nghị định hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính dự án PPP đang được khẩn trương soạn thảo để kịp thời có hiệu lực đồng thời với ngày có hiệu lực của Luật.