![]() |
Một số dự án phải điều chỉnh, bổ sung giá, khối lượng sau khi đấu thầu do sai sót của đội ngũ tư vấn đấu thầu, gây khó khăn trong quản lý, làm chậm tiến độ thi công. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong năm 2024, công tác đấu thầu của Tập đoàn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến năng lực của các đơn vị tư vấn, quản lý dự án chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, dẫn tới chậm trễ trong công tác lựa chọn nhà thầu. Công tác lập dự toán chưa sát với thực tế. Một số đơn vị chưa chú trọng cập nhật dữ liệu thường xuyên nên số liệu báo cáo có nhiều thời điểm chưa đồng bộ.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, 2 tồn tại lớn nhất trong công tác đấu thầu trên địa bàn năm 2024 là tình trạng cài cắm trong HSMT gây hạn chế cạnh tranh; năng lực của một số chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng của công tác lập, thẩm định HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
Bộ Xây dựng cho biết, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong đấu thầu năm 2024 của Bộ tại một số chủ đầu tư chỉ ra rằng, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ làm công tác tư vấn đấu thầu tại các dự án còn hạn chế, lặp lại nhiều sai sót dẫn đến điều chỉnh, bổ sung giá, khối lượng sau khi đấu thầu, gây khó khăn trong công tác quản lý, làm chậm tiến độ thi công và giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đánh giá, nhiều chủ đầu tư trên địa bàn thiếu chủ động triển khai công tác đấu thầu, báo cáo công tác đấu thầu còn hạn chế, không đúng thời gian quy định. Kết quả thanh tra ở một số dự án cho thấy, các thành viên tham gia tổ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án do UBND cấp xã làm chủ đầu tư không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu. Một số chủ đầu tư không tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu (giai đoạn chuẩn bị đầu tư).
Báo cáo hoạt động đấu thầu năm 2024, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, nhiều cán bộ thực hiện công tác đấu thầu trên địa bàn năng lực yếu, nhất là các chủ đầu tư cấp xã; việc rà soát trình tự về công tác mời thầu, đánh giá chấm thầu còn thiếu chặt chẽ. Phần lớn các đơn vị không có năng lực phải thuê đơn vị tư vấn đấu thầu, nhưng không có trình độ để quản lý, kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện. UBND tỉnh Hà Giang cho rằng, việc phân cấp cho các chủ đầu tư thực hiện phê duyệt HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu và xử lý tình huống trong đấu thầu chỉ phù hợp với các chủ đầu tư, bên mời thầu có năng lực, am hiểu quy định về đấu thầu. Chủ đầu tư năng lực yếu tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các sai phạm trong quản lý dự án đầu tư, quản lý vốn nhà nước…
UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá, năm 2024, vẫn còn tồn tại chủ đầu tư/bên mời thầu không đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu đúng thời gian quy định. Tình trạng nhà thầu cung cấp thông tin không trung thực trong HSDT vẫn tiếp diễn dẫn đến bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu. Hình thức lựa chọn nhà thầu chủ yếu vẫn là chỉ định thầu. Một số gói thầu dù được đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng có ít nhà thầu tham gia…
Qua kiểm tra công tác đấu thầu năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp phát hiện một số thành viên tham gia tổ chuyên gia và tổ thẩm định trong quá trình lựa chọn nhà thầu không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, một số chủ đầu tư, bên mời thầu trên địa bàn chưa tuân thủ quy định về thời gian trong lựa chọn nhà thầu; đăng tải thông tin đấu thầu, lập HSMT, đánh giá HSDT, thẩm định HSMT và kết quả lựa chọn nhà thầu không đúng quy định pháp luật, dẫn đến kiến nghị kéo dài. Một số HSMT đưa ra tiêu chí quá cao làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2024, một số chủ đầu tư, bên mời thầu trên địa bàn không đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu, đưa ra tiêu chí trong HSMT không phù hợp với tính chất kỹ thuật của gói thầu. Việc lựa chọn nhà thầu ở một số chủ đầu tư còn chưa chặt chẽ dẫn đến kiến nghị…
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, những tồn tại, hạn chế nêu trên về cơ bản không mới, liên quan đến đội ngũ làm công tác đấu thầu chưa đảm bảo chất lượng, chưa làm tròn trách nhiệm được giao hoặc cố tình làm sai. Những “hạt sạn” này đã tồn tại trong công tác đấu thầu nhiều năm và cần tiếp tục được loại bỏ triệt để. Việc cần làm là thắt chặt công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên để phát hiện các thiếu sót, vi phạm, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh và chế tài đủ mạnh.