Nợ đọng thanh toán bảo hiểm y tế “vắt kiệt” bệnh viện, nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nợ đọng khoản chi khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đang tiếp tục làm “nóng” nghị trường những ngày gần đây. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, vướng mắc trong tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, gây nhiều khó khăn, áp lực cho các nhà thầu, cơ sở y tế (CSYT), đặc biệt trong bối cảnh phải tự chủ tài chính.
Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2022, các bệnh viện tại TP.HCM bị từ chối thanh toán bảo hiểm y tế 1.400 tỷ đồng vì vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Ảnh: TTXVN
Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2022, các bệnh viện tại TP.HCM bị từ chối thanh toán bảo hiểm y tế 1.400 tỷ đồng vì vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Ảnh: TTXVN

Bệnh viện thành “con nợ”, nhà thầu gặp khó khăn

Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam gửi Quốc hội phục vụ Kỳ họp thứ 4 cho thấy, năm 2021, Quỹ BHYT dự kiến chi 97.295 tỷ đồng, trong đó có 5.323 tỷ đồng tồn đọng trước năm 2021 được đề nghị xem xét quyết toán trong năm 2021 (chưa tính các khoản chi KCB BHYT chưa được thống nhất thanh toán giữa cơ quan BHXH và CSYT), bao gồm: chi phí phát sinh vượt dự toán các năm 2018, 2019, 2020 là 3.269,8 tỷ đồng; chi phí vượt định mức kinh tế kỹ thuật năm 2016, 2017, 2018 là 842,8 tỷ đồng; chi phí tồn đọng phát sinh trước năm 2021 được BHXH các tỉnh đề nghị BHXH Việt Nam đưa vào quyết toán năm 2021 là 1.210,9 tỷ đồng.

Theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), từ năm 2020 đến hết tháng 8/2022, các bệnh viện trên địa bàn bị BHYT từ chối thanh toán 1.400 tỷ đồng vì vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (NĐ146).

Mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cơ quan BHXH chưa thanh toán 59 tỷ đồng cho các dịch vụ kỹ thuật y tế Bệnh viện đã triển khai cho người bệnh BHYT từ năm 2019 theo đúng yêu cầu chuyên môn, hợp lệ, không lạm dụng. Đây cũng là lý do nhà thầu không cung cấp vật tư y tế cho Bệnh viện do không được thanh toán chi phí.

“Có bệnh viện bị nợ tới bốn chục tỷ đồng thì làm sao ông giám đốc bệnh viện giải quyết được tiền lương, tiền công cho nhân viên, tiền mua thuốc, đầu tư… Từ năm 2017 đến giờ, bệnh viện vẫn chưa thanh toán thì doanh nghiệp nào chịu nổi”, ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) chỉ ra.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một doanh nghiệp dược phàn nàn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chưa trả tiền mua thuốc cho nhà thầu, dù đã hoàn thành gói thầu từ nhiều năm trước. Bị nợ đọng kéo dài, nhà thầu không chỉ mất lãi mà còn gặp khó khăn về dòng tiền tái đầu tư.

Vướng mắc lớn nhất trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT nhiều năm gần đây, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chủ yếu do áp dụng tổng mức thanh toán. Việc mua sắm, đấu thầu gặp nhiều khó khăn vì còn nợ tiền nhà thầu.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam xác nhận, đa số vướng mắc của năm 2021 là do nhiều bệnh viện vượt tổng thanh toán theo quy định tại NĐ146. Trước năm 2021, vướng mắc chủ yếu do CSYT chưa có đầy đủ hồ sơ, chưa giải thích được lý do vượt trần thanh toán, nên cán bộ thẩm định yêu cầu làm lại… Thực tế áp dụng chính sách thanh toán BHYT từ năm 1993 tới nay cho thấy, giai đoạn nào áp dụng trần giới hạn chi thanh toán BHYT thì ổn định (giai đoạn 1998 - 2005, 2009 - nay), giai đoạn nào bỏ trần chi BHYT là giai đoạn đó bị bội chi (giai đoạn 1993 - 1998 có 20 - 30 địa phương bội chi, giai đoạn 2005 - 2009 bội chi tới 3.000 tỷ đồng).

Sớm xử lý vướng mắc

Để xử lý dứt điểm các khoản thanh toán bị “treo”, ông Phúc cho biết, Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ cho phép năm 2021 thực hiện thanh toán BHYT theo giá dịch vụ, không áp dụng Điều 24 NĐ146; các khoản BHYT tồn đọng trước 2021 (5.323 tỷ đồng) được đưa vào quyết toán năm 2021.

BHXH Việt Nam đang kiến nghị Bộ Y tế xử lý toàn bộ phần chi phí liên quan đến các đề án liên doanh, liên kết của một số bệnh viện chưa rõ ràng; hay một số vướng mắc chưa được thống nhất giữa cơ quan BHXH và CSYT trong mua sắm thuốc, dịch vụ kỹ thuật... trong năm nay, không để sang các năm tiếp theo.

Đồng thời, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu điều chỉnh NĐ46, trong đó xác định rõ hạn mức chi dựa vào quyết toán của năm trước và các yếu tố tăng/giảm của năm sau, để có cơ sở thanh toán BHYT, giúp cho việc thực hiện dễ dàng và phù hợp hơn. Có thể khoán mức chi mỗi năm, các CSYT sẽ được giao dự toán chi căn cứ vào chi phí KCB, kinh phí Quỹ BHYT cân đối thu - chi.

“Việc chỉ định KCB phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ, nên không thể để bác sĩ tùy nghi chỉ định, mà cần phải có hạn mức cơ bản để thanh toán, vì giá thuốc biệt dược gốc và generic, nhóm 1 và nhóm 2 có khi chênh nhau tới 10 lần; thủy tinh thể, có cái giá 3 triệu đồng, có cái 5 triệu đồng… Nhiều nước, kể cả nước giàu, phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… cũng giao khoán kinh phí để đảm bảo chi KCB”, ông Phúc nói.

Ngoài việc đề xuất sửa đổi NĐ146, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Dự thảo Luật KCB (sửa đổi) đưa ra 3 cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh gắn với quy định các danh mục dịch vụ kỹ thuật tối thiểu, gồm: KCB ban đầu, KCB cơ bản, KCB chuyên sâu (thay vì 4 tuyến: xã, huyện, tỉnh, trung ương như hiện nay).

“Việc phân cấp này sẽ tạo tiền đề cho đầu tư phát triển CSYT, khắc phục những tồn tại, bất cập liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện, hay bất cập trong thanh toán BHYT giữa các tuyến”, bà Lan kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục