Các dự án BOT được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giám sát chặt chẽ việc cho vay |
Việc nhận định về chính sách tiền tệ đang nới lỏng dựa chủ yếu trên 2 con số là tổng phương tiện thanh toán, theo báo cáo công bố ngày 20/5, đã tăng 5,88% so với mức 3,64% cùng kỳ năm trước, tức là Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng cung tiền. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng đạt mức 4,52% so với 4,26% của cùng kỳ năm trước. Nhưng có lẽ đây mới chỉ là sự nới lỏng trong khuôn khổ chính sách tiền tệ “linh hoạt” nhằm đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 18-20%, chứ chưa phải là một tín hiệu thay đổi chính sách, chuyển sang nới lỏng.
Một trong những dấu hiệu để khẳng định điều này là mặt bằng lãi suất huy động đầu vào vẫn đang tiếp tục tăng. Tất nhiên, lãi suất tăng có nguyên nhân từ việc đáp ứng quy định mới về việc giảm sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, nhưng về tổng thể thì đây vẫn là dấu hiệu cho thấy nguồn vốn chưa thật dồi dào, điều mà khi nới lỏng tiền tệ phải có.
Mặc dù vậy, có thể khẳng định, tín dụng đang có những cơ hội mở rộng hơn trong thời gian nửa cuối năm. Áp lực nợ xấu vẫn còn, nhưng đã giảm bớt, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái hỗ trợ dòng vốn cho vay tốt hơn, đặc biệt với Thông tư 06/2016/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN, tháo nút thắt cho ngân hàng trong tăng tín dụng.
Theo thống kê trên địa bàn TP. HCM, địa bàn hấp thụ vốn tín dụng lớn nhất cả nước, 5 tháng đầu năm tín dụng tăng 5%, cao nhất trong 3 năm qua, ước đạt trên 1,29 triệu tỷ đồng. Lãi suất cho vay thông thường phổ biến ở mức 6,7-8,9%/năm đối với ngắn hạn, ở mức 9-10%/năm cho vay trung dài hạn.
Tại một số ngân hàng lớn như BIDV, dự kiến đến hết quý II/2016, dư nợ tín dụng tăng 8 - 9% so với đầu năm.
Tại hầu hết các ngân hàng khác chưa có dữ liệu cập nhật, tuy nhiên tính đến hết quý I/2016, thì tín dụng của đa số ngân hàng đều tăng trưởng khá tốt. Chẳng hạn, tại Vietcombank, cho vay khách hàng đạt 411.634 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm; tại ACB, cho vay khách hàng đạt 144.229 tỷ đồng, tăng 7,6%; các nhà băng khác như Vietinbank, Techcombank, VIB, Sacombank, MB… đạt mức tăng 2 - 3%.
Cùng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung của cả ngành khá cao, hầu hết các ngân hàng cũng tự đặt cho mình một kế hoạch năm khá lớn. Có những con số khá tham vọng như tăng 33,8% cho vay khách hàng của VPBank, thậm chí cao gần gấp rưỡi như TPBank với mức tăng trưởng tới 47%...
Lãnh đạo hầu hết ngân hàng đều cho biết, chưa có kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu vào kỳ sơ kết giữa năm đang diễn ra. Thị trường vẫn đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể, kinh tế dần hồi phục, nhu cầu vốn của doanh ngiệp tăng trở lại nhằm mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với trước. Cùng với đó, nhu cầu tín dụng tiêu dùng, vay mua nhà của khách hàng cá nhân tăng mạnh trong những năm gần đây, được xem là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn (5 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm là 10,159 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm 2015). Điều này sẽ khiến nhu cầu vốn trong các lĩnh vực công nghiệp, điện tử, thương mại, dịch vụ, xây dựng khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng, khu văn phòng…, hứa hẹn sẽ có triển vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, với việc Việt Nam gia nhập TPP, các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này như dệt may, da giày, thủy hải sản…, dự đoán sẽ gia tăng nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị trước các nguồn lực để đón đầu các cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, bức tranh cũng không hẳn quá lạc quan. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tín dụng năm nay có thể chỉ tăng khoảng 16% (trong khi mục tiêu là tăng 18 - 20%). Nguyên nhân là do cầu tín dụng lĩnh vực bất động sản, cụ thể là các dự án BOT chững lại. Đây là các dự án lớn, nhu cầu tín dụng rất cao.
Quay lại với câu chuyện của bức tranh thị trường tiền tệ 6 tháng cuối năm, mặc dù có những tín hiệu sáng hơn của nền kinh tế, nhưng chưa thể chủ quan để có thể áp dụng một chính sách tiền tệ nới lỏng thực sự, dù nhiều nước vẫn đang áp dụng.
Mới đây nhất, Thống đốc Lê Minh Hưng đã có Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016. Theo yêu cầu, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Song song với đó là yêu cầu theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung - dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông…Sự thận trọng vẫn cần!