FPT e ngại việc nới room lên quá mức 51% sẽ khiến đơn vị này “bị” xếp vào nhóm doanh nghiệp FDI. Ảnh: Tiên Giang |
“Nới room” ngay lập tức trở thành từ khóa nổi bật trên các phương tiện thông tin đại chúng, đánh thức thị trường chứng khoán, giúp không ít cổ phiếu tăng nóng chỉ với thông tin “có thể nới room”.
Còn nhiều vướng mắc
Sau gần 1 năm, hiện thị trường vẫn còn phải chờ đợi hướng dẫn cụ thể về việc nới room và định danh loại hình doanh nghiệp trên sàn sau khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chính thức vượt 51%. Thế nhưng, không đợi đến khi các quy định thực sự được hoàn tất, mùa ĐHCĐ thường niên 2016 vừa mới bắt đầu, đã chứng kiến không ít doanh nghiệp đưa câu chuyện nới room ra bàn bạc. Một số doanh nghiệp đã nhanh chóng thông qua việc nới room lên mức tối đa 100% - coi đó là cơ hội giúp doanh nghiệp cất cánh với sức mạnh có thể có từ các cổ đông ngoại.
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng hào hứng với trào lưu này.
Ông Trần Đình Long hiện đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 184,3 triệu cổ phiếu HPG (tương đương 25,15% vốn điều lệ). Cũng tại cuộc họp ĐHCĐ, ông Long cho biết cá nhân ông không có ý định bán ra cổ phiếu HPG – vì Công ty là tâm huyết của ông. “Nếu có bán, thế hệ con cháu bán thì bán, còn thế hệ chúng tôi thì không” – thậm chí cả khi “được giá”.
Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT) cũng đang khá thận trọng với việc nới room. Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, đại diện FPT cho biết Công ty e ngại việc nới room lên quá mức 51% sẽ khiến FPT “bị” xếp vào doanh nghiệp FDI, dẫn đến việc bị khống chế tại một số mảng hoạt động. Riêng mảng bán lẻ sẽ bị vướng giấy phép mỗi khi mở cửa hàng.
Ngoài ra, việc “dè chừng” của FPT cũng được thể hiện khi Công ty đề nghị sửa đổi điều lệ, trong đó rút gọn số lượng thành viên HĐQT từ mức tối đa 11 người (điều lệ cũ) xuống còn 7 người. Đây được cho là biện pháp phòng thủ từ ban lãnh đạo FPT, ngăn không cho các nhóm cổ đông khác đưa người vào HĐQT. Hiện tại HĐQT FPT đã đạt con số tối đa 7 người, theo điều lệ mới được ĐHCĐ thông qua.
Cũng với sự e ngại như vậy, PNJ cho rằng việc nới room lúc này là không có lợi cho hoạt động của Công ty. Cụ thể, việc nới room có thể khiến Công ty bị hạn chế trong việc mở rộng bán lẻ. Trong khi hoạt động này vẫn đang là trụ cột cho sự phát triển gần đây của PNJ. Không ngại bị thâu tóm, đại diện PNJ cho rằng nếu có ai làm tốt hơn cho Công ty, cho cổ đông, lãnh đạo sẵn sàng chuyển giao.
Nới room có dễ?
Xung quanh việc nới room, có một trường hợp khá đặc biệt là Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú.
Tháng 3 năm 2015, công ty này chính thức hủy niêm yết tự nguyện. Trả lời Bloomberg, ông – Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, việc niêm yết khiến Công ty không thể đạt mục tiêu tăng trưởng vốn – bị hạn chế trong việc phát hành cổ phiếu cho đối tác nước ngoài. Hạn chế ở đây không chỉ về giá bán thương lượng với đối tác, mà còn về tỷ lệ sở hữu bị hạn chế ở mức 49% theo quy định cũ.
Tuy nhiên, đã 1 năm trôi qua kể từ khi Vua tôm Minh Phú chính thức hủy niêm yết, và gần 3 năm kể từ khi kế hoạch “bán mình” cho đối tác ngoại được thông qua, Minh Phú trải qua nhiều thăng trầm, nhưng việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài vẫn chưa thực sự tiến triển.
Nới room, vì vậy không phải chỉ là một trào lưu, một tuyên ngôn, hay thậm chí là một cơ hội kích giá cổ phiếu – mà là một quá trình không hề dễ dàng.