Techcombank là trường hợp đặc biệt được chấp thuận nới room tín dụng năm 2018. Ảnh: Lê Tiên |
Xếp hàng xin nới room tín dụng
Techcombank cho biết vừa được chấp thuận nới room tín dụng cả năm 2018 từ mức 14% lên 20%. Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng này sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm.
Không chỉ Techcombank, một số ngân hàng khác cũng đã có đề xuất xin được nới room tín dụng song chưa được chấp thuận. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ngân hàng này cũng muốn được nới room tín dụng vì mạng lưới của LienVietPostBank khá rộng và tiềm năng huy động tốt.
“Năm nay, tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank được quy định ở mức 14%. Đến nay, mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chúng tôi đã trên 13% trong khi nguồn lực cho vay vẫn còn lớn. Do đó, chúng tôi muốn được tăng thêm lên gần mức tăng trưởng tín dụng 25% của năm ngoái, hoặc ít hơn một chút cũng được”, bà Sơn nói.
Chia sẻ thêm về cách điều hành tín dụng trong điều kiện chưa được nới room hiện nay, lãnh đạo LienVietPostBank cho biết có thể điều chỉnh bằng hai cách. Đó là, chờ có người trả thì cho vay mới hoặc tái cơ cấu danh mục cho vay bằng cách chuyển những khoản vay lớn đến hạn tất toán sang những khoản vay nhỏ hơn.
Cần tính toán tác động tới CPI
Bình luận về cách điều hành này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, chắc chắn NHNN đã tính toán và cân nhắc về nhu cầu, năng lực giải ngân, năng lực quản lý rủi ro của ngân hàng được phép nới room tín dụng.
Từ góc độ vĩ mô, theo ông Lực, không nên quá lo ngại về tác động tới lạm phát từ quyết định này. “Tôi tin là số lượng ngân hàng được nới room tín dụng không nhiều, hạn mức được nới không lớn. Đặc biệt, nếu NHNN đã cẩn trọng đánh giá về năng lực và điều kiện của từng ngân hàng thương mại trước khi cho phép nới room tín dụng thì mức tác động đến lạm phát cũng ở trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, từ quyết định cho phép nới room tín dụng cho đến lúc dòng tiền thực chất đi vào lưu thông sẽ có một độ trễ nhất định, từ 3 đến 6 tháng, nên mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay là có thể thực hiện được”, ông Lực nói.
Với nhiều năm quan sát biến động lạm phát của nền kinh tế, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận định: “Việc nới room tín dụng chắc chắn có tác động đến lạm phát, tuy nhiên, mức độ tác động phụ thuộc vào tổng lượng tín dụng được nới và thời điểm bắt đầu giải ngân. Chẳng hạn, nếu thời điểm nới tín dụng vào giai đoạn cuối năm thì vòng quay của dòng tiền sẽ nhanh hơn, tức là độ trễ sẽ ngắn hơn so với những tháng khác trong năm. Do đó, việc điều hành chính sách tín dụng cần hết sức thận trọng khi CPI sắp chạm ngưỡng mục tiêu 4% của cả năm và các lực đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu giảm”.
Giả định là quyết định nới room tín dụng của NHNN đã được tính toán cẩn thận như suy nghĩ của ông Cấn Văn Lực, thì điều này lại không nhất quán với quan điểm của cơ quan điều hành tại Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018. Theo đó, NHNN không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.
“Đây là một điểm đáng băn khoăn. Thực tế, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt là cần thiết trong điều kiện kinh tế hiện nay, nhưng việc làm khác với chủ trương ban đầu cũng thể hiện tính chưa nhất quán về chính sách. Về lâu dài, NHNN nên bỏ công cụ chính sách tín dụng này và thay bằng việc kiểm soát tín dụng dựa trên hệ số an toàn vốn (CAR) để vừa phù hợp với thông lệ quốc tế lại vừa kiểm soát dòng vốn ngân hàng tốt hơn”, ông Lực nêu quan điểm.