Lãi suất tăng sẽ khiến DN gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Chị Lê Phương T. (ngụ Q.9, TP.HCM) đến kỳ đáo hạn một khoản tiết kiệm vào tuần sau, đứng rối tung giữa một “rừng” thông tin lãi suất tăng. Mới nhất là giữa tuần qua, Ngân hàng (NH) Eximbank tung ra chương trình huy động vốn mới với mức lãi suất cao nhất thị trường tính đến nay. Mức lãi suất cao nhất được áp đến 8%/năm đối với khoản tiền gửi từ 10 tỉ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ; 7,6% đối với kỳ hạn 24 tháng. Mức lãi suất huy động này của Eximbank cao hơn đến 1,2% so với lãi suất huy động tiết kiệm thông thường của NH này và có sự cách biệt lớn với lãi suất ở các NH khác, chỉ ở mức 7,2 - 7,5%/năm cùng kỳ hạn.
Vọt lên 8,2%/năm
Tuần trước đó, NH Phương Đông (OCB) là NH đầu tiên tung ra mức lãi suất vượt trội 8% cho kỳ hạn 36 tháng; 7,8% cho kỳ hạn 24 tháng. Một NH khác cũng áp dụng lãi suất huy động VND ở mức 8%/năm là NH Đông Nam Á (SeABank) với kỳ hạn 13 tháng. Theo một nhân viên của SeABank, mức lãi suất này chỉ áp dụng với những khách hàng có quan hệ với NH từ 5 năm trở lên, số tiền gửi từ 200 tỉ đồng trở lên. Còn NH Sacombank, ngay từ những ngày đầu năm đã áp dụng mức lãi suất huy động VND ở mức 7,55%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, trong khi các kỳ hạn khác có lãi suất từ 5,5 - 6,8%/năm. Điều kiện để áp dụng lãi suất huy động 7,55%/năm là số tiền gửi phải tối thiểu 500 tỉ đồng. Thậm chí, theo số liệu của NH Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, lãi suất cao nhất áp dụng của khối NH TMCP là 8,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Phó tổng giám đốc của một NH cổ phần vừa tăng lãi suất huy động cho hay các NH tăng lãi suất VND là để đáp ứng được những tỷ lệ theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn trong tổng vốn huy động của các NH thường chiếm 70 - 80%, trong khi nhu cầu vay trung dài hạn lại cao. Trước đây, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được điều chỉnh tăng từ 30% lên 60%, nay Thông tư 36 dự kiến điều chỉnh tỷ lệ này còn 40%. Thực tế nhiều NH đã vượt mức 40% nên họ đang tích cực chạy để huy động vốn trung dài hạn. Vị phó tổng này đánh giá tín dụng năm 2016 sẽ không tăng tốt như năm 2015, đặc biệt là quy định trên cùng với việc siết tín dụng vào thị trường bất động sản - một lĩnh vực tăng tín dụng khá tốt trong thời gian qua.
Doanh nghiệp lo ngay ngáy
Đường đua lãi suất huy động được khởi động kéo theo lãi suất cho vay cũng rục rịch tăng theo. Chị Xuân (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết chị vừa nhận được tin nhắn NH báo lãi suất áp dụng 3 tháng tới cho khoản vay cá nhân 200 triệu đồng là 12,5%/năm. “Tháng 9 năm ngoái, lãi suất vay là 9%, sang đến đầu năm nay tăng lên 11%, rồi nay là 12,5%, tăng mạnh vậy mà NH chỉ gửi tin nhắn không lời giải thích”, chị cho biết.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp (DN) bất động sản cho biết từ khi lãi suất huy động giảm về 5%/tháng, lãi vay của công ty ông cũng không hề giảm, vẫn đứng ở mức 11%/năm. “Ở mức 11% tôi thấy kinh doanh có lãi nên không kèo nài thêm, nhưng lãi suất huy động tăng sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng, nếu vậy thì gánh nặng lãi suất sẽ trở lại”, ông lo lắng nói.
Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty may túi xách Miti, cho hay DN đang mở rộng hoạt động, phát triển mạng lưới cửa hàng. Công ty đang có khoản vay ngắn hạn 6 tháng với lãi suất 8%/năm. Hiện chưa thấy NH báo điều chỉnh nhưng ông cũng đang lo ngay ngáy lãi suất sẽ tăng trong năm nay. Trên thực tế, mặt bằng lãi vay đã bắt đầu tăng nhẹ từ 0,05 - 0,2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Việc tăng lãi suất huy động VND trong bối cảnh tín dụng tháng 1 âm 0,21% là điều khó hiểu. Theo TS Bùi Quang Tín - giảng viên Trường đại học NH TP.HCM, lãi suất huy động tăng đồng nghĩa với chi phí NH tăng lên và lãi suất cho vay có thể sẽ lên 11 - 13,5%/năm. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế. Ông phân tích, tỷ suất lợi nhuận bình quân hiện nay của các ngành nghề khoảng từ 10 - 15%. Nếu lãi suất tăng thêm, DN sản xuất kinh doanh sẽ bị giảm lợi nhuận ngay, từ đó họ sẽ giảm động cơ để phát triển kinh doanh và sẽ giảm vay để phát triển kinh doanh, ảnh hưởng ngay đến tăng trưởng tín dụng của NH. Còn đối với ngành nghề phi sản xuất như bất động sản, tiêu dùng, khách hàng sẽ giảm động cơ để đầu tư và tiêu dùng, khi mà thu nhập của họ không tăng mà chi phí ngày càng tăng, từ đó giảm tiêu dùng và tăng tiết kiệm, ảnh hưởng ngay đến GDP. Đồng thời các thị trường tài chính khác sẽ ảnh hưởng, ví dụ thị trường chứng khoán, các loại thị trường phái sinh ( trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa....) vì các thị trường này phát triển dựa vào phần lớn là vốn vay NH.
TS Cao Sỹ Kiêm nhận định lãi suất vẫn được xem đang là gánh nặng của DN, khi lãi suất cho vay so với các nước trong khu vực vẫn ở mức cao, khiến DN trong nước gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.