Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mang tính mùa vụ và khó dự đoán kết quả kinh doanh trong 2 tháng cuối năm. Ảnh: Minh Khuê |
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 quy định, tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp.
Đây là điểm thay đổi lớn so với quy định trước đó tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP và Thông tư số 151/2014/TT-BTC. Theo Điều 17 Thông tư số 151/2014/TT-BTC, trường hợp tổng số thuế tạm nộp trong kỳ tính thuế thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp. Tức là, doanh nghiệp tạm nộp thuế TNDN 4 quý của năm ở mức không thấp hơn 80% số thuế TNDN cả năm và thời hạn cuối để tạm nộp thuế TNDN của 4 quý là 30/1 năm sau.
Với quy định mới, từ cuối tháng 10, doanh nghiệp phải tính thật sát lợi nhuận của cả năm để tính được số thuế TNDN cả năm, từ đó tạm nộp 75% số thuế TNDN cả năm muộn nhất vào ngày 30/10. Nếu tạm nộp thấp hơn số thực tế thực hiện của cả năm, doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt chậm nộp.
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mang tính mùa vụ và khó dự đoán kết quả kinh doanh trong 2 tháng cuối năm. Do đó, việc tính được số TNDN cả năm chính xác ở thời điểm trước 30/10 là quá khó với nhiều doanh nghiệp và tính thừa hay tính thiếu thì doanh nghiệp đều chịu thiệt.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, quy định này làm lợi cho cơ quan thuế nhưng lại gây khó rất nhiều cho doanh nghiệp.
“Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn biến động theo từng ngày, từng tháng, có nhiều trường hợp chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí lỗ trong những tháng đầu năm và phát triển mạnh trong những tháng cuối năm thì việc tính được kết quả kinh doanh ở thời điểm 30/10 là rất khó. Trong khi đó, thời hạn tạm nộp thuế TNDN cho cả 4 quý vào 30/1 năm sau theo quy định cũ hợp lý hơn rất nhiều”, ông Truyền nói.
Phản hồi về nội dung này, Tổng cục Thuế cho biết, việc sửa đổi theo quy định mới là nhằm khắc phục những bất cập của Nghị định 91/2014/NĐ-CP. Thực tế triển khai Nghị định 91 cho thấy, có nhiều doanh nghiệp để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý IV (thông thường vào ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế. Số thu thuế TNDN phát sinh phải nộp trong năm ngân sách trước bị chiếm dụng và nộp vào năm ngân sách sau gây ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, đồng thời không đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và các doanh nghiệp không tuân thủ.
Theo cơ quan thuế, quy định như trên xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều có phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, và sẽ hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện tạm nộp thuế TNDN theo quy định. Nghĩa vụ phải nộp chính thức sẽ được xác định khi doanh nghiệp quyết toán thuế TNDN tại thời điểm kết thúc năm tính thuế. Các trường hợp doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh tăng bất thường trong quý IV mà không dự kiến được trước không phải là trường hợp phổ biến.
Tuy nhiên, theo luật sư Truyền, không có nhiều doanh nghiệp tính được hết cơ hội và rủi ro trong 2 tháng còn lại của năm, đặc biệt là những biến động như thiên tai, dịch bệnh. Do đó, việc không tính chính xác được số thuế phải nộp cho cả năm là phổ biến.