Xử lý nợ xấu: dấu hiệu cải thiện
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN, bởi ngay từ đầu năm cùng với Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN, Chỉ thị 02 về xử lý nợ xấu cũng được công bố. Tiếp đó đến tháng 5, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 04, trong đó có những giải pháp và chỉ đạo cụ thể đối với các TCTD để đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Theo đó, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016.
Theo số liệu do các TCTD và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng; khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được 7,24 nghìn tỷ đồng.
“Con số nợ xấu dưới 3% là chủ trương điều hành, là tỷ lệ mà NHNN trong suốt quá trình triển khai đề án tái cơ cấu nỗ lực thực hiện và duy trì”, bà Hồng chia sẻ.
Với vai trò là cơ quan đầu mối trong việc xử lý nợ xấu của toàn hệ thống, đại diện VAMC, ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc cho biết, lũy kế từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được 251 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Hiện VAMC vẫn đang nỗ lực giải quyết nợ xấu và lũy kế đến nay thu hồi được khoảng 34 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 15% khối lượng nợ mua vào. Tốc độ thu hồi nợ tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2014, VAMC thu được 5 nghìn tỷ đồng, năm 2015 thu 12 nghìn tỷ đồng và đến thời điểm hiện tại của năm 2016 đã thu được 11 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Thắng khẳng định, việc thu hồi nợ là khả quan so với kế hoạch đặt ra ban đầu, song cũng thừa nhận công việc chưa làm được là chuyển nợ thành vốn góp, mua nợ theo giá thị trường, bảo lãnh…
Hiện tại, hành lang pháp lý mà Chính phủ tạo cho VAMC là khá đầy đủ. Nghị định 53/2013/NĐ-CP được sửa đổi đến 2 lần qua Nghị định 34/2015/NĐ-CP, Nghị định 18/2016/NĐ-CP đã tương đối hoàn thiện và đầy đủ. Đồng thời, NHNN đã ban hành bổ sung Thông tư 14 và Thông tư 08 quy định cụ thể và rõ ràng hơn, cũng như bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của VAMC trong việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và triển khai mua nợ xấu theo giá thị trường. Bên cạnh đó, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
“Đây được xem là một trong những tiền đề góp phần tạo ra thị trường mua bán nợ, nhờ đó sẽ giúp hoạt động mua bán nợ thời gian tới sôi động hơn, do có thêm nhiều doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ”, ông Thắng thừa nhận.
Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 8/2016 với nhận định cải cách ngành ngân hàng vẫn cần phải được đẩy mạnh. Báo cáo cũng ghi nhận, trên “mặt trận” này đã có một số tiến bộ, với việc VAMC công bố trong tháng 6/2016 đã bắt đầu mua các khoản nợ xấu bằng tiền mặt. Trước đó, VAMC cũng đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu từ các ngân hàng. Sau đó, các ngân hàng sẽ sử dụng tài sản này để bảo đảm nguồn vốn bằng việc thế chấp tại NHNN.
Sẽ tiếp tục ổn định lãi suất và đảm bảo thanh khoản toàn hệ thống
Tại cuộc họp báo của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, tính đến ngày 29/7/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so với cuối năm 2015.
Thanh khoản của tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước. Trên cơ sở diễn biến vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, NHNN duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành và thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD giữ ổn định lãi suất huy động.
“Từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối vốn, duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay… Theo đó, ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi’” ông Long cho biết.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chia sẻ: “Đến ngày 29/7/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực được triển khai có hiệu quả bằng nguồn lực của NHNN, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Những con số tích cực trên được công bố nhưng kèm theo đó là quan ngại về việc NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ như thế nào để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống…
Thực tế, tăng trưởng kinh tế quý I chậm so với dự kiến và mục tiêu đề ra năm 2016, Chính phủ chủ trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, vậy NHNN sẽ thực hiện biện pháp nào để ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh? Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Xác định đầu tiên của NHNN là ổn định mặt bằng lãi suất huy động. Để đạt được mục tiêu này, với vai trò là người điều tiết thanh khoản trong hệ thống, NHNN đã áp dụng các giải pháp như theo dõi sát và điều tiết bằng hoạt động đưa tiền ra, hút tiền về hàng ngày để lượng thanh khoản có dư thừa hợp lý. Từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ và sử dụng các biện pháp đồng bộ để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD, nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát”.