Ồ ạt phát mại tài sản, nợ xấu ngân hàng đang gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó cũng khiến ngành ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng do khách hàng không có khả năng trả nợ. Gần đây, nhiều tài sản thế chấp tại ngân hàng đã được phát mại.
Nhiều ngân hàng lớn có tỷ lệ nợ xấu tăng. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều ngân hàng lớn có tỷ lệ nợ xấu tăng. Ảnh: Tiên Giang

Thời gian qua các ngân hàng rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu thông qua việc phát mại tài sản, đưa tài sản bảo đảm các khoản vay và các khoản nợ xấu ra bán đấu giá. Thực tế, nhiều tài sản được đem ra đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không thể tìm được người mua dù giá giảm.

Đơn cử như trường hợp Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Thành Nam rao bán tài sản gắn liền với đất và máy móc thiết bị ngành may tại Khu công nghiệp Hòa Xá, TP. Nam Định của Công ty CP Thúy Đạt đến 30 lần nhưng vẫn không tìm được người mua. Mức giá trong lần bán đấu giá gần đây (5/8/2020) đã giảm hơn một nửa so với lần rao bán đầu tiên vào đầu năm 2019.

Vào ngày 13/8 tới, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) sẽ tổ chức bán đấu giá khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty CP Phát triển Giải trí Xứ Sở Hạnh Phúc lần thứ 4 với giá khởi điểm 311,5 tỷ đồng. Mức giá này giảm hơn 70 tỷ đồng so với lần rao bán vào ngày 9/4/2020.

Ngoài bất động sản, thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng rao bán các loại xe ô tô cũ là tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Đơn cử như đầu tháng 8/2020, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thông báo bán đấu giá hơn 25 chiếc xe ô tô với nhiều chủng loại. Một ngân hàng khác cũng rất tích cực rao bán thanh lý ô tô trong thời gian vừa qua là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Báo cáo mới phát hành của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu dẫn đến rủi ro về chất lượng tài sản là quan ngại lớn nhất cho các ngân hàng hiện nay, đặc biệt là trong thực tế, nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng các khoản nợ xấu/nợ xấu) khá thấp để chống đỡ trước những cú sốc chất lượng tài sản không lường trước được.

Khảo sát tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu của nhiều ngân hàng có dấu hiệu gia tăng. Như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), tính đến cuối quý II/2020, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng từ 3.522 tỷ đồng đầu năm lên 4.525 tỷ đồng (tương đương mức tăng 28,4%), còn nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng tới 240% từ 463 tỷ đồng lên 1.575 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của SHB tăng từ 1,9% lên 2,1%.

Tương tự, với các ngân hàng lớn có vốn nhà nước chi phối như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), tổng nợ xấu tính đến cuối quý II/2020 của ngân hàng này đã tăng đến 48% so với đầu năm, lên 15.968 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 250% và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 84%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,7%.

Tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu 6 tháng đầu năm ở mức 1,99% so với 1,7% thời điểm đầu năm. Qua 6 tháng, tổng nợ xấu của BIDV đã tăng thêm 3.272 tỷ đồng so với đầu năm (tương đương mức tăng 16,7%), lên 22.768 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên tới 13.342 tỷ đồng.

Theo nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động tài chính - ngân hàng thường có độ trễ. Viện này dự báo nợ xấu nội bảng tăng nhanh, có thể đến 4% và nợ xấu gộp dự báo lên đến khoảng 6% vào cuối năm 2020 và còn cao trong năm 2021 khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực và phải chuyển nhóm nợ xấu.

Liên quan đến việc ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng đánh giá, bức tranh nợ xấu có thể chưa đầy đủ vì ngân hàng có thể che giấu những tài sản có vấn đề bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể chuyển thành nợ xấu trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục