Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã trúng nhiều gói thầu bảo hiểm thi công xây dựng và lắp đặt các dự án ngành điện. Ảnh: Lê Tiên |
Cuộc đua của các “ông lớn”
Thống kê sơ bộ của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, trong số các gói thầu bảo hiểm công trình thuộc diện đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh trong 6 tháng đầu năm, nhà thầu trúng thầu hầu hết đều là các “ông lớn” trong Top 10 nêu trên. Có thể kể đến như PVI với nhiều gói thầu bảo hiểm thi công xây dựng và lắp đặt các dự án ngành điện (Dự án Cải tạo trạm 110kV Bà Quẹo; Dự án Mở rộng ngăn lộ tại trạm 220 kV Bình Chánh; Dự án TBA 220-110-22 KV công nghệ cao, giai đoạn 2 và Mở rộng Trụ sở Công ty Điện lực Củ Chi). Tcty Bảo hiểm Bảo Việt với Dự án Đường dây 220 kV mạch kép Thái Bình - Tiền Hải - Trực Ninh; Tcty CP Bảo hiểm Petrolimex với Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Tcty Bảo hiểm BIDV với Dự án Đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vào hệ thống điện quốc gia;…
Doanh thu từ bảo hiểm công trình chiếm tỷ trọng khá lớn đối với một số DN bảo hiểm phi nhân thọ, phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và thế mạnh của DN. Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2016 đã có tác động nhất định đến doanh thu từ bảo hiểm công trình của DN bảo hiểm phi nhân thọ. Ngay từ đầu năm 2016, các gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng thu hút sự tham gia của nhiều DN bảo hiểm.
Cạnh tranh gay gắt về giá
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, những gói thầu bảo hiểm công trình lựa chọn nhà thầu theo hình thức có cạnh tranh như đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu rất lớn. Từ những gói thầu đã đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Báo Đấu thầu, có thể thấy trong 6 tháng đầu năm, PVI là một trong những cái tên trúng thầu nhiều nhất trong số các gói thầu thuộc diện này và rất nhiều gói thầu đơn vị này trúng với mức giá trúng thầu chỉ trên dưới 20% giá gói thầu, đặc biệt là gói thầu ngành điện.
Đáng kể là Gói thầu Bảo hiểm công trình cho các dự án: TBA 220-110-22KV công nghệ cao, giai đoạn 2 và Dự án Mở rộng Trụ sở Công ty Điện lực Củ Chi do Tcty Điện lực TP.HCM là bên mời thầu, giá trúng thầu của PVI bằng 10,2% giá gói thầu (giá trúng thầu 65 triệu đồng/giá gói thầu 639 triệu đồng).Gói thầu số 9: Bảo hiểm xây dựng công trình thuộc Dự án Kéo dây mạch hai đường dây 220kV Ô Môn - Sóc Trăng do Công ty Truyền tải điện 4 là bên mời thầu, giá trúng thầu của PVI bằng 17,6% giá gói thầu (79 triệu đồng/449 triệu đồng)…
Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2016:
- Tổng công ty (Tcty) Bảo hiểm Bảo Việt;
- Tcty Bảo hiểm PVI;
- Tcty CP Bảo hiểm Bưu điện;
- Tcty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO);
- Tcty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN;
- Tcty CP Bảo Minh;
- Tcty CP Bảo hiểm Quân đội;
- Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp;
- Tcty CP Bảo hiểm Bảo Long;
- Công ty TNHH MTV Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
(Theo xếp hạng của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam công bố cuối tháng 6)
Để trúng thầu Gói thầu số 8: Bảo hiểm công trình thuộc Dự án Đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc là bên mời thầu, giá trúng thầu của Tcty Bảo hiểm Bưu điện chỉ bằng 21,7% giá gói thầu (39 triệu đồng/179 triệu đồng).
Tương tự, “ông lớn” Bảo hiểm Bảo Việt trúng thầu Gói thầu số 8: Bảo hiểm xây dựng công trình thuộc Dự án Đường dây 220kV mạch kép Thái Bình - Tiền Hải - Trực Ninh do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc là bên mời thầu vớigiá trúng thầu chỉ bằng 24,1% giá gói thầu (305 triệu/1,26 tỷ đồng).
Theo một cán bộ chuyên về công tác bảo hiểm dự án, giá trúng thầu thấp thực ra đã được DN bảo hiểm tính toán dựa theo thị trường, đánh giá xác suất rủi ro,… nên cạnh tranh giảm giá là có lợi cho ngân sách, nếu có rủi ro thì phần nhiều sẽ thuộc về DN bảo hiểm.Với các gói thầu chỉ định thầu, không cần cạnh tranh, hầu hết DN bảo hiểm không giảm giá hoặc giảm giá rất ít. Nhiều trường hợp, không hẳn là giá trúng thầu thấp mà là giá dự toán gói thầu quá cao do chủ đầu tư xây dựng giá gói thầu dựa trên những định mức, tỷ lệ phí cũ, không theo sát thị trường hoặc đánh giá rủi ro không sát.
Từ góc độ khác, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho rằng, đối với bảo hiểm công trình, nhà thầu chỉ phải thực hiện khi có rủi ro xảy ra. Rất nhiều gói thầu nhà thầu trúng thầu nhưng không phải thực hiện, vì thế nhà thầu có thể tính toán rủi ro để giảm giá phù hợp, cạnh tranh với đối thủ. Quan trọng nhất là khi xảy ra rủi ro, nhà thầu trúng thầu có bảo hiểm đúng hay không, hay là lại tìm mọi lý do để không phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm, hoặc thực hiện bảo hiểm thấp nhất.