Ảnh Internet |
Liên quan đến nội dung này, ông Đỗ Văn Vẻ, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thái Bình, cho rằng, cần phải quy định, trong trường hợp hoàn thuế quá thời gian quy định thì phải trả tiền lãi chậm hoàn cho người nộp thuế.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế (QLT) quy định, trường hợp chậm nộp thuế sẽ bị tính tiền chậm nộp tương đương 0,04%/ngày. Quan điểm của ông thế nào về mức phạt này?
Nói chung, trừ những doanh nghiệp kinh doanh chụp giật, còn lại hầu hết không ai muốn nợ thuế. Bất đắc dĩ mới phải nợ, khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn về tài chính hoặc mới bỏ vốn ra đầu tư, trong đó vốn vay lớn. Chi phí ban đầu thường rất lớn nên những năm đầu doanh nghiệp thường gặp khó khăn dẫn đến nợ nần, trong đó có cả nợ thuế.
Nếu phạt chậm nộp theo mức 0,05%/ngày, tương đương 1,5%/tháng và 18,25%/năm như hiện nay là quá cao, cao hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp không chịu nổi, buộc phải giải thể, phá sản thì Nhà nước cũng mất thuế, ngân hàng cũng không có gì để đòi được nợ. Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tại Kỳ họp thứ 10 khi bàn về vấn đề này, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị hạ mức phạt chậm nộp xuống theo mức 0,03%/ngày, nhưng rất tiếc không được Ban soạn thảo tiếp thu mà vẫn giữ mức phạt chậm nộp là 0,04%/ngày.
Tôi xin khẳng định, tất cả doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc bất đắc dĩ không may gặp khó khăn bất khả kháng mới phải nợ tiền thuế. Mức phạt 0,9%/tháng không hề thấp, cũng tương đương với lãi suất vay ngân hàng. Trong trường hợp mức phạt chậm nộp tương đương với lãi suất vay ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ đi vay ngân hàng để đóng thuế vì khi nợ thuế, doanh nghiệp sẽ được xếp vào đối tượng không chấp hành chính sách thuế, nên thường xuyên nằm trong tầm kiểm soát đặc biệt của cơ quan thuế - điều mà không doanh nghiệp nào muốn.
Bên cạnh hạ mức phạt chậm nộp xuống 0,03%/ngày, ông đã từng kiến nghị gì khi sửa Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật QLT lần này?
Tôi và nhiều đại biểu Quốc hội cũng từng kiến nghị nên xem xét xóa tiền phạt chậm nộp cho những doanh nghiệp thực sự khó khăn do khách quan nhưng đã cố gắng nộp hết tiền thuế gốc đến thời điểm nhất định nào đó. Chúng tôi cũng kiến nghị phải bổ sung quy định, trong trường hợp cơ quan thuế chậm hoàn tiền thuế quá thời hạn quy định thì phải trả lãi chậm hoàn cho người nộp thuế. Như vậy, quan hệ giữa Nhà nước và người nộp thuế mới sòng phẳng. Chỉ tiếc rằng, những kiến nghị này đến bây giờ vẫn chưa được Ban soạn thảo tiếp thu.
Nếu được Ban soạn thảo tiếp thu trước khi trình Dự thảo Luật sửa đổi để Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 6/4 tới đây, tôi cho rằng, quy định trong trường hợp cơ quan thuế chậm hoàn thuế quá thời gian quy định chịu phạt chậm hoàn thuế bằng 70% mức phạt chậm nộp. Tôi nghĩ rằng, nếu quy định như vậy người nộp thuế sẽ rất hài lòng vì thấy Nhà nước sòng phẳng, còn Nhà nước cũng không bị giảm thu nhiều do số tiền phạt chậm nộp lớn hơn nhiều so với số tiền phạt chậm hoàn thuế.
Thế trường hợp người nộp thuế nộp thừa tiền thuế và các nghĩa vụ tài chính khác thì sao? Nhà nước có phải trả lãi cho người nộp thuế không?
Doanh nghiệp được tự tính thuế, tự khai thuế và tự nộp thuế nên nếu vì bất cứ lý do nào đó mà anh tính toán sai khiến tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế được hoàn thì anh phải chịu trách nhiệm. Nhà nước không thể trả lãi vì lỗi do người nộp thuế. Ngược lại, doanh nghiệp khai sai làm giảm số thuế phải nộp, tăng số thuế được hoàn, nếu kịp thời phát hiện và điều chỉnh thì chỉ phải trả tiền chậm nộp. Còn nếu để cơ quan thanh tra, kiểm tra thuế phát hiện ra hành vi khai tăng số thuế được hoàn, giảm số thuế phải nộp, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gian lận thuế, trốn thuế.